Chuyển tới nội dung

Giá thép trong nước giảm tiếp, về sát mốc 14 triệu đồng/tấn

Giá thép xây dựng trong nước đã có hàng chục đợt giảm liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu tiêu thụ yếu.

Theo đó, tại thị trường trong nước ngày 23/6, với thương hiệu thép Hoà Phát, dòng thép cuộn CB240 giảm 250 đồng xuống ở mức 14.040 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210 đồng, hiện có giá 14.480 đồng/kg ở miền Bắc. Ở miền Trung, thép Hòa Phát đồng loạt giảm 200 đồng, với dòng thép cuộn CB240 xuống mức mới 13.840 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.340 đồng/kg. Còn thị trường miền Nam, thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm, thép cuộn CB240 giảm 170 đồng, xuống ở mức 14.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.440 đồng/kg – giảm 200 đồng.

Thương hiệu thép Việt Ý cũng điều chỉnh giảm, với thép cuộn CB240 giảm 200 đồng có giá 13.740 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150 đồng, ở mức 14.240 đồng/kg. Thép Việt Đức, với thép cuộn CB240 ở mức 13.840 đồng/kg – giảm 200 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.340 đồng/kg – giảm 220 đồng.

Giá thép trong nước giảm mạnh, về sát mốc 14 triệu đồng/tấn.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 5 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 14,1 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép đạt 12,9 triệu tấn, giảm 19%, trong đó xuất khẩu thép đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.

VSA dự báo doanh thu toàn ngành thép nửa đầu năm 2023 có thể giảm 70 – 80% so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục. Trước những diến biến xấu của thị trường, VSA kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất.

VSA cũng kiến nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thép xuất khẩu các mặt hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép hàn đã đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước…

Liên quan đến ngành thép, trước đó dự báo về tình hình thị trường thép trong năm 2023, một số chuyên gia cho rằng việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó, nhu cầu thấp của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có thép.

Tại diễn đàn DInsights “Biến động thị trường chứng khoán: Tâm điểm ngành thép và bất động sản” mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết hiện tại 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.

Đối với xuất khẩu, thị trường ASEAN – tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng thép của Việt Nam, trong năm 2023 ngoại trừ Indonesia là điểm sáng, các nước như Thái Lan hay Singapore đều chứng kiến hoạt động xây dựng bị chậm lại. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực ASEAN dự kiến tăng trưởng chậm hoặc đi ngang.

Với khu vực Châu Âu, Mỹ (tiêu thụ 3% tổng lượng thép), phần sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan, do đó nhu cầu khó có mức độ tăng mạnh, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất ít nhất thêm 2 lần nữa trong 6 tháng đầu năm. Dẫu vậy, thị trường vẫn ghi nhận một số yếu tố hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp thép đến cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ sắt thép được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ các dự án đầu tư công được triển khai nhiều hơn. Cụ thể, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao giải ngân đầu tư công với số vốn lên tới 94.161 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022.

Tuấn Kiệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved