Căng thẳng thương mại giữa các nước và xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại đã đẩy giá phôi thép tăng cao, nhà thầu xây dựng và cả các chủ đầu tư đều đứng trước nguy cơ vỡ trận.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), tình hình giá thép đang tăng đột biến, đặc biệt trong tháng 4 vừa qua, giá thép đã tăng từ 30 – 40% so với quý cuối năm 2020.
Trong đó, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, giá thép này ở Đà Nẵng được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg.
Ở một diễn biến khác, tại Trung Quốc, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cũng đã phải kêu gọi Chính phủ can thiệp vì giá thép, quặng sắt tăng nóng. Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, trong phiên giao dịch ngày 27/4, giá quặng sắt hàm lượng 62% Fe nhập khẩu vào miền bắc Trung Quốc đã tăng 0,89% lên mức 195,31 USD/tấn (tương đương 1.265 nhân dân tệ/tấn). Ngoài ra, giá quặng sắt hàm lượng 65% Fe của Brazil cũng leo lên mức kỷ lục 227,8 USD/tấn (tương đương 1477,6 nhân dân tệ/tấn).
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, với sự tăng nóng trên, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm nay và vượt qua mức trước đại dịch. Tiêu thụ thép của Trung Quốc, thường chiếm khoảng 50% tổng mức tiêu thụ toàn cầu, sẽ tiếp tục đi lên từ con số kỷ lục hiện tại, trong khi nhu cầu của phần còn lại trên thế giới phục hồi mạnh mẽ. Giá thép sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, trong dự án xây dựng nhà ở, chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng 1 căn hộ và khoảng 35% chi phí xây dựng 1 căn nhà liền kề. Theo đó, việc giá thép tăng đến 40%, sẽ tác động trực tiếp đến giá bán căn hộ.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Hưng Thịnh Phát cho rằng, khi giá cả tăng đột biến, vượt quá chi phí dự phòng cũng sẽ ảnh hưởng đến vùng giá mà chủ đầu tư đưa ra thị trường.
“Bản thân chủ đầu tư cũng phải cân đối để đảm bảo lợi ích giữa nhà thầu để giúp sản phẩm đưa ra thị trường đúng theo tiến độ đã cam kết với người mua. Nếu giá cả cứ tăng tiếp, người mua sẽ là người cuối cùng phải chịu. Với các khu đô thị, các nhà chung cư, sắt thép chiếm tỷ trọng trong giá thành tương đối lớn, nên trong các tháng, các năm tiếp theo, chắc chắn giá nhà sẽ cao hơn” – ông Điệp khẳng định.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, ngoài nguy cơ tăng giá bán nhà trong tương lai, trước mắt đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp chính là các nhà thầu xây dựng.
Theo ông Hiệp, các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) vì vậy các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này.
“Các nhà thầu gay go sẽ khiến cả công trình xây dựng tê liệt, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường bất động sản” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Diệu Hoa