Giá điện sinh khối tăng lên 1.630 đồng một kWh (Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 24/2014 ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó có quy định về giá điện đối với dự án điện sinh khối.

Cụ thể, đối với các dự án đồng phát nhiệt – điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ 1.220 đồng/kWh  tương đương 5,8 UScents/kWh).

Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt – điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScents/kWh. Giá mua điện quy định nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của đồng đô la Mỹ.

Theo đó, các dự án điện sinh khối đã vận hành phát điện trước thời điểm 5/3/2020 được áp dụng mức giá mua điện nêu trên kể từ ngày 25/4/2020 cho thời gian còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký.

Chi phí mua điện từ các dự án điện sinh khối nêu trên được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các dự án điện sinh khối áp dụng giá mua điện theo quy định này không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

Dự án điện sinh khối phát điện chủ yếu sử dụng năng lượng sinh khối để sản xuất điện, gồm phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản và các loại cây trồng khác có thể sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất điện.

Trước đó, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất giá bán điện sinh khối tại dự án đồng phát tăng lên 7,03 cent (khoảng 1.630 đồng) một kWh, còn dự án điện sinh khối khác là 8,47 cent (gần 1.970 đồng). Bộ Công Thương cho biết muốn tăng giá bán điện sinh khối lên để khuyến khích nhà đầu tư tham gia.

Hiện nhiều công ty mía đường đã tách riêng phần sản xuất điện nên Bộ Công Thương cho rằng, việc tính giá FIT cho dự án điện từ nguồn nguyên liệu bã mía dựa trên nhiên liệu không phải mua là chưa hợp lý.

Vì thế, cơ quan này đề xuất tăng giá FIT dự án điện sinh khối đồng phát lên 7,03 cent một kWh (tương đương 1.630 đồng), và dự án điện sinh khối khác là 8,47 cent (gần 1.970 đồng) một kWh. Việc tăng giá FIT điện sinh khối sẽ khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau gần 6 năm phát triển, công suất điện sinh khối nối lưới khoảng 350 MW, bằng một nửa mục tiêu theo quy hoạch điện VII đến 2020. Hiện có 10 dự án điện sinh khối đồng phát với tổng công suất 350 MW, 2 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa vận hành, công suất 19 MW. Theo kế hoạch quy hoạch điện VII, công suất loại năng lượng này đến 2025 và 2030 tương ứng đạt 1.200 MW và 3.000 MW.