Theo thống kê, trong tháng 4, giá hạt điều xuất khẩu đạt mức 5.944 USD/tấn, đi ngang so với tháng 3 và tháng 4/2022, song đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 4 đạt xấp xỉ 51.400 tấn, trị giá 305,5 triệu USD, tăng hơn 3% về lượng và giá trị so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 162.400 tấn, trị giá 952,5 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng trong tháng 4, giá hạt điều xuất khẩu đạt mức 5.944 USD/tấn, đi ngang so với tháng 3 và tháng 4/2022; tuy nhiên, đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2022. Bình quân giá điều xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay khoảng 5.865 USD/tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Mỹ, Hà Lan, Australia, Canada, Đức… giảm, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống, Anh, Saudi Arabia, Nhật Bản tăng.
Hiện nay, ngành điều phải đối mặt với liên hoàn khó khăn như các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam như châu Âu, Mỹ ngày càng siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung Quốc quy định chặt chẽ và thực thi nghiêm các quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm qua biên giới.
Dự báo, năm 2023, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm, giá khó tăng. Hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế; biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm, chi phí chế biến ngày càng tăng. Cùng với đó là vấn đề lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam; đặc biệt là tình trạng tồn kho nhân điều tại những thị trường này.
Trong bối cảnh trên, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu điều năm 2023 ở mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Đồng thời, duy trì chủ trương giảm lượng, tăng chất.
Tú Linh