Thông tin từ nhiều công ty gas đầu mối cho biết, từ ngày 1/3/2022, giá gas bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh tăng thêm 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá bán lẻ mỗi bình gas 12 kg đã vượt mức 500.000 đồng.
Cụ thể, theo thông báo của Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, từ ngày 1/3, giá các loại gas Pacific, City Petro, Vimexco Gas và Esgas tăng 42.000 đồng/bình loại 12kg và tăng 175.000 đồng/bình loại 50kg. Giá gas bán lẻ cao nhất là 524.500 đồng/bình 12 kg và 2.184.500 đồng/bình 50kg.
Công ty Saigon Petro cũng cho hay, từ ngày 1/3, giá bán gas Saigon Petro tăng 42.000 đồng/bình, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 502.000 đồng/12kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng thông báo, từ ngày 1/3, giá gas tăng 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12kg và 157.500 đồng/bình 45kg. Giá gas bán lẻ là 503.900 đồng/bình 12kg và 1.889.640 đồng/ bình 45kg.
Công ty TNHH Gas Petrolimex (Sài Gòn) và Công ty TotalEnergies LPG Vietnam cũng tăng giá gas với mức 42.000 đồng/bình 12kg.
Nguyên nhân giá gas tháng 3 tăng mạnh là vì giá gas thế giới tăng rất cao. Giá gas thế giới bình quân tháng 3 đạt 907,5USD/tấn, tăng 132,5USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với tháng 2. Giá nhiên liệu trên thế giới tăng cao khi cuộc chiến giữa Nga – Ukraina nổ ra, tác động đến nguồn cung khí hóa lỏng trên toàn cầu.
Trước đó, ngày 1/2, giá gas bán lẻ trong nước cũng tăng ở mức 16.000 đồng/bình 12 kg. Tính chung những tháng đầu năm 2022, giá gas có 1 lần giảm với mức giảm 10.000 đồng/bình 12 và 2 lần tăng với tổng mức tăng 58.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, cùng với mặt hàng xăng dầu, giá mặt hàng gas cũng tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Đến cuối tháng 2, đầu tháng 3, các nước châu Á, châu Âu và Mỹ vẫn có nhu cầu nhiên liệu, khí đốt cao khiến giá gas thế giới tăng vọt.
Ngày 28/2, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) 2 tháng đầu năm nay tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 yếu tố làm tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2022, đó là giá xăng dầu, giá gas, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (vật liệu xây dựng), và giá gạo, đồng loạt tăng.
Mới đây tại văn bản chỉ đạo ngày 10/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Phương Anh