Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam tăng do đơn hàng từ các nước nhập khẩu gạo truyền thống đang có nhu cầu trở lại.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 134 nghìn tấn gạo, tăng 9,84% so với tuần trước. Mặc dù số lượng gạo xuất khẩu trong tuần qua thấp hơn của Ấn Độ và Thái Lan nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức rất tốt: 433-437 USD/tấn (gạo 5% tấm), tăng 6 USD/tấn so với tuần trước; 403–407 USD/tấn (gạo 255) tấm.
Trong khi đó, giá gạo 5% và 25% tấm của Thái Lan bán ra ở mức 383 – 387 USD/tấn và 373–377 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 20 USD/tấn.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam tăng do đơn hàng từ các nước nhập khẩu gạo truyền thống đang có nhu cầu trở lại. Đặc biệt, nguồn cung gạo từ Ấn Độ bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi.
Tại thị trường Việt Nam, xuất khẩu gạo gần như đứng yên trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” không được, lúa gạo thu mua bị chững lại, gạo đưa ra sà lan chở đường sông TP.HCM xuất đi cũng bị nghẽn… Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, doanh nghiệp cũng “vướng” các quy định về sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, chi phí tăng mạnh, nên xuất khẩu đã bị gián đoạn từ cuối tháng 7 đến nay.
Theo ông Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Nam khiến hoạt động giao dịch gạo cực kỳ khó khăn, chưa kể đến tình trạng đóng băng toàn bộ chuỗi giá trị khi một ca nhiễm COVID-19 phát hiện chỉ trong một nhà máy.
Xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nhân lực lao động, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào.
Từ đầu tháng 9, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã được “nối” lại. Mặc dù xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, nhưng các thương nhân cũng dự báo xuất khẩu gạo vẫn có khả năng tăng vào cuối năm khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn. Thực tế, từ cuối tháng 7 đầu tháng 8/2021, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có đơn hàng nhưng do đang thực hiện giãn cách, thiếu nhân lực, tình trạng ùn ứ tại cảng nên chưa thể đóng hàng để gửi đi.
Dẫn nguồn của Oryza.com, VFA cho biết Thông cáo báo chí trên trang web Mua sắm điện tử của Mauritius, Tổng Công ty Thương mại Nhà nước (STC) sẽ tiến hành một cuộc đấu thầu quốc tế nhằm mua 6.000 tấn gạo trắng hạt dài từ các nguồn gốc khác nhau, giao hàng trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến 31/3/2022. Hạn chót nộp hồ sơ dự thầu (trực tuyến trên trang web Mua sắm điện tử) vào lúc 13 giờ 30 phút giờ Mauritian, ngày 26/10/2021. Các hồ sơ dự thầu sẽ được mở vào lúc 14 giờ 10 phút giờ Mauritian ngày 28/10/2021. Đây cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này.
Mặc dù đang có vài bất lợi trong mùa vụ thu hoạch, song xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường Ấn Độ.
Trong Báo cáo thương mại nông nghiệp quốc tế của Cơ quan Nông nghiệp nước ngoài – Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2021 sẽ tăng lên mức cao kỷ lục. Năm 2021, Ấn Độ dự kiến xuất khẩu 17,7 triệu tấn gạo, cao hơn 86% so với năm 2020.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 4,4 triệu tấn gạo. Mặc dù xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn do nhiều yếu tố bất lợi, tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn là một trong 6 ngành hàng lợi thế của Việt Nam (gỗ, thủy sản, trái cây, càphê, caosu, lúa gạo, hồ tiêu…). |
Linh Nga