Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 22 USD đến 30 USD/tấn, nhưng vẫn tiếp tục duy trì mức cao so với Thái Lan và cao nhất thế giới.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo hôm nay 22/9 tại Đồng bằng sông Cửu Long được giữ ổn định. Cụ thể, tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 8.000 – 8.100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 – 8.200 đồng/kg, OM 5451 có mức giá 7.700 – 8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.200 – 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.700 – 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg. Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.300 – 9.450 đồng/kg.
Trong khi giá lúa duy trì ổn định, thì mặt hàng gạo lại tiếp tục xu hướng giảm với gạo nguyên liệu. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.600 – 11.650 đồng/kg; giảm 100 đồng/kg; trong khi đó, giá gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định quanh mốc 13.700 – 13.800 đồng/kg.
Tương tự, mặt hàng phụ phẩm cũng giá biến động trái chiều giữa tấm và cám. Cụ thể, giá tấm IR 504 duy trì ổn định ở mức 11.800 đồng/kg; trong khi đó, giá cám khô giảm 100 đồng/kg xuống còn 6.400 – 6.500 đồng/kg.
Với thị trường gạo nội địa, nhiều loại gạo nguồn ít, giá chững, giao dịch chậm. Tại các chợ lẻ giá gạo không có biến động. Cụ thể, gạo tẻ thường ở mức 13.000 – 15.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo nàng nhen 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.500 – 17.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo nàng hoa 19.000 đồng/kg; gạo sóc thường 16.000 – 17.000 đồng/kg; gạo sóc thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613-617 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn. Một số doanh nghiệp cho biết, hiện giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nên cả người bán lẫn người mua đều trong thế khó. Trong đó người mua không chấp nhận mức giá bán cao của doanh nghiệp Việt Nam, còn người bán nếu chào thấp sẽ thua lỗ bởi phải thu mua gạo trong nước với giá cao.
Liên quan đến xuất khẩu gạo, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 8 đạt là 921 nghìn tấn, kim ngạch đạt 546,4 triệu USD, tăng mạnh 39,5% về lượng, tăng 50,7% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 5,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 8 là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao thứ 3 từ trước tới nay, trong khi đó, trị giá xuất khẩu bình quân (đạt 593 USD/tấn) cao nhất kể từ tháng 1/2022 trở lại đây.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613-617 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn. Nếu so với cuối tháng 8/2023 thì mức giá xuất khẩu này đã giảm khoảng 22 USD đến 30 USD/tấn. Đáng chú ý, không chỉ gạo Việt Nam mà gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan cũng giảm về mức 611 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 608 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng tới, nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo cũng sẽ bước vào cao điểm mùa thu hoạch, dự báo sẽ cung cấp lượng lớn nguồn cung ra thị trường. Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, nhiều quốc gia tiêu thụ vẫn cần đẩy mạnh nhập khẩu gạo để bổ sung vào kho dự trữ. Đây sẽ là yếu tố kiềm chế đà giảm của giá gạo.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, hiện giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nên cả người bán lẫn người mua đều trong thế khó. Trong đó người mua không chấp nhận mức giá bán cao của doanh nghiệp Việt Nam, còn người bán nếu chào thấp sẽ thua lỗ bởi phải thu mua gạo trong nước với giá cao.
Những hợp đồng đã ký trước với giá thấp khiến một số doanh nghiệp phải hủy hợp đồng, chấp nhận mất uy tín. Số khác chấp nhập chịu lỗ bằng cách mua hàng giá cao để giao cho khách song họ lại không dám ký thêm hợp đồng mới.
Bên cạnh đó, giá gạo giảm còn do Philippines – thị trường số 1 của gạo Việt Nam vừa áp trần giá bán gạo vào ngày 31/8 vừa qua, nhiều khách hàng đòi hủy hợp đồng để tạo áp lực yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam giảm giá gạo điều này cũng tạo áp lực giảm giá gạo trong nước.
Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp nhận định giá gạo có thể không tăng thêm chứ khó giảm, vì sản lượng gạo của Việt Nam và Thái Lan không còn nhiều mà nhu cầu thế giới đang lớn. Việc Philippines áp giá trần có thể khiến thị trường hạ nhiệt trong trước mắt nhưng gạo là lương thực thiết yếu, không thể không mua.
Tú Anh