Tăng giá điện được cho là việc không thể trì hoãn, tuy nhiên, theo chuyên gia, khi giá điện tăng sẽ kéo theo áp lực về lạm phát, vì vậy, cần triển khai những giải pháp tổng thể để kiểm soát…
Theo đó, ngày 04/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể đơn vị này cho biết, năm 2023 theo tính toán, do giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao, giá thành điện năm 2023 cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, để đảm bảo ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Sự điều chỉnh nêu trên được Tập đoàn này dựa trên các căn cứ gồm: Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương.
Thực tế, sau 4 năm chưa được tăng giá, cùng với đó là việc EVN đang lỗ nặng, để bù đắp, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp ngành điện và tái đầu tư thì việc tăng giá điện trong năm 2023 được cho là việc không thể trì hoãn và khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, trước những tác động khi điều chỉnh tăng giá điện có thể mang lại, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, cần triển khai những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đánh giá về tác động của điều chỉnh giá điện đối với nền kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, vì vậy tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.
Tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%. Việc tăng giá điện đang đặt các nhà quản lý vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 với tăng trưởng 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5%.
Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, nên điều chỉnh giá điện càng sớm càng tốt.
Theo ông Lâm, khi đã điều chỉnh giá điện, buộc các tổ chức kinh tế và hộ gia đình ngay lập tức phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí, thực hành tiết kiệm điện, cùng chia sẻ khó khăn với ngành điện và Chính phủ. Đồng thời thúc đẩy quá trình đầu tư chuyển đổi năng lượng, tăng tỷ trọng điện thương phẩm từ điện mặt trời và điện gió.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong thời gian qua, nhận rõ những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, 2 trong 4 “con ngựa kéo của cỗ xe tứ mã” thúc đẩy tăng trưởng bị đuối sức, áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ đã kịp thời đưa ra chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.
Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với các nước trên thế giới nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý câu chuyện thiếu vốn của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế. Bộ Tài chính đã giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp, đang đề xuất giảm 2% thuế VAT để kích cầu tiêu dùng.
Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng suy giảm, cầu tiêu dùng trong nước yếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn gặp rào cản về môi trường pháp lý, chi phí sản xuất tăng.
“Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tăng cường tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng; xử lý khó khăn về vốn, khả năng thanh khoản và lao động cho doanh nghiệp.
Định kỳ hàng quý, Chính phủ và các địa phương nắm bắt và khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo từng ngành, từng lĩnh vực. Nhất là cần tháo gỡ ngay những vướng mắc về thể chế, về các quy định không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp như vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị tháo gỡ quy định về phòng cháy…
Đồng thời, chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể nâng cao năng lực dự trữ, đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Đặc biệt, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi năng lượng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo.”, vị chuyên gia này đề xuất.
Gia Nguyễn