Có nhiều ý kiến cho rằng, giá dầu thấp có thể là giải pháp cứu trợ cận biên cho nhiều nền kinh tế, tuy nhiên trên thực tế thì câu chuyện lại không dễ dàng như thế.
Thông thường, khi giá dầu thô giảm hơn 30% sẽ có thể dẫn đến sự sụp đổ của một liên minh gồm 24 nhà sản xuất dầu lớn. Trong trường hợp này, đây sẽ được xem là một “cú hích” lớn cho các nền kinh tế mới nổi vốn phụ thuộc vào nhập khẩu và luôn đói năng lượng của châu Á.
Mặc dù sự thất bại trong thỏa thuận sản xuất giữa OPEC với Nga – khu vực đang nỗ lực để giữ cân bằng cung cầu toàn cầu đã làm tăng triển vọng bình ổn giá dầu.
Nhưng đó là trong điều kiện bình thường, còn ở thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 đã bùng phát trên toàn cầu và được WHO tuyên bố là đại dịch thì Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới lại khó có thể hưởng lợi từ sự tụt dốc của giá dầu.
Tại Trung Quốc, phần lớn ngành sản xuất, hoạt động thương mại và du lịch trong nước cũng như quốc tế bị tê liệt do dịch bệnh. Nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc đã giảm khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 15%.
Trong bối cảnh đó, hoạt động sản xuất, thương mại và du lịch đã bị gián đoạn trên khắp Đông Nam Á – khu vực có sự phụ thuộc cao vào Trung Quốc cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu của quốc gia này.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng, giá dầu thấp có thể là giải pháp cứu trợ cận biên cho các nền kinh tế này, tuy nhiên trên thực tế thì câu chuyện lại không dễ dàng như thế.
Những phản ứng của thị trường ngày 9/3 trên khắp các thị trường chứng khoán khi giá dầu thô Brent sụt giảm kỷ lục chỉ trong một ngày đã là minh chứng rõ nét cho vấn đề này.
Cổ phiếu của Toyota Motor đã sụt giảm 4,4%, trong khi cổ phiếu của hãng hàng không Singapore Airlines mất đi 4,5%. Cả hai công ty này thường đều được hưởng lợi lớn từ việc giá dầu hạ thấp.
Giá nhiên liệu thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các phương tiện chạy bằng xăng, trong khi giá nhiên liệu chiếm phần chi phí lớn nhất của các hãng hàng không.
Tuy nhiên, khi nhu cầu đi lại và du lịch đang trong tình trạng “tụt áp” – thủ phạm hàng đầu hiện nay là dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 – thì không có sự tiết kiệm chi phí nào có thể bù đắp được.
Đối với Toyota, đây là sự bắt đầu, khởi nguồn của nhiều vấn đề đồng thời xảy ra. Hãng chế tạo ô tô Nhật Bản thuộc trong số những nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới – đã phải chịu sức ép ngày càng lớn hơn khi mà sự tăng giá trị gần đây của đồng yen Nhật đối với đồng USD diễn ra ngày càng nhanh hơn.
Sự gia tăng giá trị đồng tiền nội tệ trên toàn khu vực châu Á – một trung tâm trung chuyển của các quốc gia xuất khẩu – xuất phát từ việc đồng USD yếu đi sẽ cuốn phăng tất cả những lợi ích kinh tế của việc nhập khẩu dầu mỏ giá rẻ.
Không riêng thị trường dầu mỏ, chứng khoán toàn cầu cũng lao đao sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tạm dừng nhập cảnh đối với các du khách từ châu Âu trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
Theo chuyên gia phân tích thị trường Margaret Yang tại sàn giao dịch tài chính CMC Market (Singapore) cho biết: “Tuyên bố tình trạng đại dịch toàn cầu của WHO và việc Mỹ cấm nhập cảnh đối với người châu Âu sẽ làm tổn hại tới triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã nóng lên”.
Tại châu Á, khi các nền kinh tế lao đao, các quốc gia tại đây sẽ thực hiện chính sách tiền tệ triệt để và sử dụng các biện pháp “mồi bơm” khác để chống lại tác động của COVID-19.
Theo đó, sự kết hợp giữa tỷ giá tiền tệ và giá dầu rẻ có thể làm giảm áp lực giảm phát. Trong khi đó, nếu giá dầu xuống thấp hơn, điều này lại không có khả năng kích thích tiêu dùng khi tăng trưởng kinh tế đang chững lại.
Tình trạng giá dầu tuột dốc này là cơ hội hiếm có cho người tiêu dùng được mua khí đốt và xăng xe với giá rẻ hơn nhiều, nhưng lại đe dọa nguồn lợi nhuận của các công ty sản xuất năng lượng và của cả các nước sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia.
Trong khi đó, các nước sản xuất dầu mỏ cần phải bán được hàng với giá cao hơn mới có thể đảm bảo vận hành được nền kinh tế của họ.
Chủ tịch công ty Continental Resources Inc, ông Harold Hamm, cho hay lợi nhuận công ty tính từ đầu năm tới nay đã giảm khoảng 45% và có thể thấy rõ rằng nguồn cung dầu khí hiện quá nhiều.
Ông Donald Morton, Phó Chủ tịch cao cấp của công ty Herbert J. Sims & Co nhận định, giá dầu hiện đã xuống rất thấp và còn tiếp tục xuống thấp hơn nữa cho đến khi nào hết dịch.
Ông Espen Erlingsen, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty năng lượng Rystad Energy (Na Uy) bình luận: “Nếu không có nhóm OPEC+, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã mất đi sự điều tiết.
Hiện nay, chỉ có cơ chế thị trường mới điều chỉnh được cân bằng giữa cung và cầu. Theo dự báo của công ty Rystad Energy, để cân bằng cung – cầu, giá dầu có thể xuống dưới mức 20 USD/thùng.
Nhiều nhà kinh tế hiện trông chờ OPEC quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng hơn nữa trong phiên họp sắp tới của họ, nhằm sớm bình ổn được giá dầu, nếu như những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới.
Thế nhưng, lượng dầu do Mỹ và các nước ngoài OPEC sản xuất cũng đã đủ khiến nhiều công ty phải chuẩn bị tinh thần dự trữ tồn kho một lượng dầu rất lớn.
Do giá cổ phiếu và hàng hóa ngày càng giảm, các nhà đầu tư giờ chuyển qua nhắm tới các tài sản an toàn hơn như vàng và trái phiếu, vốn là những mặt hàng có thể giữ được giá trong thời buổi thị trường hỗn loạn.
Chính xu hướng này đã đẩy giá vàng tuần vừa qua lên cao nhất trong vòng 7 năm vừa qua và khiến hệ số giữa giá vàng và giá dầu vọt lên cao nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay.