Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng về hơn 23.000 đồng/lít và giá dầu cũng đang giữ xu hướng giảm suốt 2 tháng qua, các doanh nghiệp cho biết, giá cước vận tải, chi phí logistics cũng đã giảm theo.
Tại Hà Nội, với khoảng 60 đầu xe khách chạy các tuyến cố định đi một số tỉnh phía Bắc, đại diện một công ty vận tải cho biết sau 5 lần giảm giá xăng dầu tổng cộng khoảng 19%, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ kê khai giảm hơn 8% giá vé, dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 20/8 tới.
Theo đại diện của Sở GTVT Hà Nội, đến thời điểm này đã có khoảng 30% các đơn vị vận tải trên địa bàn đã kê khai giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5-10%. Sở cũng đã đề nghị các quận huyện yêu cầu các đơn vị tính toán giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, đặc biệt là những đơn vị từng tăng giá trước đó.
“Chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra những đơn vị tăng giá cước vận tải khi giá nhiên liệu tăng, song khi giá nhiên liệu giảm lại không giảm giá cước”, ông Nguyễn Tuyển – Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết.
Báo VTV News đưa tin, theo đại diện Vụ Vận Tải (Bộ GTVT), báo cáo nhanh của một số địa phương cho thấy, một số hãng taxi đang kê khai giảm giá cước từ 6-12%, các tuyến vận tải khách cố định cũng đã và đang giảm từ 5-14%. Các lĩnh vực đường sắt, đường biển, hàng không giá cước cũng đang bắt đầu hạ nhiệt. Riêng với đường thuỷ nội địa từ đầu năm đến nay chưa tăng giá nên không kê khai giảm đợt này.
“Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các văn bản quy định liên quan đến công tác quản lý giá và điều hành giá. Đồng thời chỉ đạo các Sở GTVT tham mưu cho UBND cấp tỉnh một mặt hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc kê khai giá để đảm bảo tình hình xăng dầu giảm giá. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra”, ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết.
Về chi phí logistics, theo báo Giao thông, đại diện công ty TNHH tiếp vận Ngôi Sao Việt Nam cho biết, hiện chi phí logistics các chặng nội địa và quốc tế đã giảm trung bình khoảng 5-7% so với đầu năm và giảm khoảng 30-40% so với mức giá đỉnh năm 2021.
Đơn cử, chặng nội địa theo đường bộ từ Hà Nội vận chuyển vào TP.HCM, mức giá thuê nguyên container 40 feet đã giảm từ mức 50 triệu đồng/chuyến xuống còn khoảng 35-45 triệu đồng/chuyền. Nếu đi đường sắt, mức cước này thấp hơn khoảng 2-3 triệu đồng/container.
Còn một container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu, giá giảm xuống chỉ còn 5.000-8.000 USD/container, thay vì mức giá khoảng 9.000-10.000 so với đỉnh năm ngoái. Tương tự, chi phí từ Việt Nam đi Mỹ cũng đã giảm xuống mức 8.000-11.000 USD/container 40 feet, từ mức 18.000-21.000 USD vào năm 2021.
Công ty Trường Phát Logistics cũng cho biết, chi phí vận chuyển đường biển từ Trung Quốc về Việt Nam cũng đã giảm mạnh, tối thiếu là 50%. Hiện, giá cước xuống còn khoảng 700-800 USD/container 40 feet, từ mức 1.500-2.000 USD….
Nhìn chung, các doanh nghiệp logistics đều cho biết, chi phí logistics đã giảm tối đa ngưỡng 10% sau khi giá xăng giảm liên tiếp thời gian qua, cũng có những chặng không giảm, phần lớn là hợp đồng lẻ, chặng ngắn…
Trong bối cảnh vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế là mục tiêu quan trọng đặt ra hiện nay.
Tại dự thảo Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, Việt Nam khó có thể phát triển được đội tàu container để khai thác ở tuyến xa được trong giai đoạn tới đây mà chỉ có thể bắt đầu với việc tăng cường thiết lập khai thác các tuyến nội Á để thu hút hàng về các cảng biển lớn của Việt Nam xuất đi Châu Âu và Mỹ.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế cần chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn trước mắt (2022-2026), cần đổi mới về cơ chế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính.
Minh Anh