Tin chính thức hay tin “vỉa hè” đều đẩy giá cổ phiếu

Giá cổ phiếu JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật đã tăng trên 70% chỉ trong hơn 1 tháng qua, khi một loạt quỹ ngoại chuyển nhượng gần 28% vốn cho các cổ đông trong nước.

Một số phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu JVC có sắc đỏ, nhưng không ít nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, biến động “đổi chủ” có thể giúp phục hồi doanh nghiệp từng có vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế.

Một nguồn tin thân cận với nhóm nhà đầu tư sang tay cổ phiếu JVC từ quỹ ngoại cho biết, những nhà đầu tư này không thực sự quan tâm đến giá cổ phiếu và kiếm lợi từ chênh lệch giá.

Các thông tin M&A dù chính thức hay ở dạng tin “vỉa hè” đều giúp nhiều cổ phiếu tăng giá.

Họ là những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường, tăng tỷ lệ sở hữu khi thị giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn, đồng thời nỗ lực tham gia cải thiện quản trị doanh nghiệp để JVC hoạt động tốt hơn, từ đó gia tăng giá trị cổ phiếu.

Sau khi nhận chuyển nhượng từ nhà đầu tư Nhật Bản, đạt tỷ lệ sở hữu để có tiếng nói quan trọng trong quản trị doanh nghiệp, nhóm nhà đầu tư trên không mua gom cổ phiếu JVC trên sàn.

Vì thế, động thái của một số nhà đầu tư khác bỏ tiền ra mua gom hàng triệu cổ phiếu JVC trên sàn sau đó là đáng ngạc nhiên.

Một kịch bản được phán đoán trong trường hợp này là các nhà đầu tư gom thêm cổ phiếu để đạt tỷ lệ đối trọng với nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng từ quỹ ngoại, hoặc nhằm bán lại cổ phần ở mức giá cao hơn.

Một cổ phiếu tăng giá khác gây chú ý là LHG của Công ty cổ phần Long Hậu, đạt 29.300 đồng/cổ phiếu vào phiên 1/9, tăng 20% so với phiên 20/8 và gấp gần 3 lần so với mức giá tháng 3, sau đó dao động quanh mức 28.000 đồng/cổ phiếu.

Yếu tố được giới đầu tư chú ý là sau khi thu về hơn 5.000 tỷ đồng từ bán Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cable) cho nhà đầu tư Thái Lan, ông Võ Tấn Thịnh, cổ đông lớn tại Long Hậu đã mua thêm cổ phiếu LHG để tăng tỷ lệ sở hữu.

Cụ thể, ông Thịnh mua 1,7 triệu đơn vị ngày 20/8 và gần 1,8 triệu đơn vị ngày 24/8, trở thành cổ đông lớn nắm 11,9% vốn điều lệ LHG.

Cả hai giao dịch đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị hơn 82 tỷ đồng. Giá mua trung bình gần 23.600 đồng/cổ phiếu. Sau đó, ông này tiếp tục mua vào LHG, nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.

Không ít cổ phiếu khác được kích hoạt nhờ thông tin về M&A, dù chính thức hay ở dạng tin “vỉa hè”. Trong đợt hồi phục của thị trường tháng 4 – 5/2020, các thông tin như Vingroup thâu tóm ITA để sở hữu quỹ đất khu công nghiệp rộng, Massan thâu tóm TDH để sở hữu chợ đầu mối lớn, Sovico mua gom cổ phiếu HBC, thậm chí cả những thông tin rất khó tin như Vingroup đầu tư tài chính bằng cách thâu tóm Sacombank… được coi là lý do chính giúp giá những cổ phiếu trên bứt phá và thanh khoản tăng đáng kể.

Không dễ hiện thực hóa kỳ vọng

Kết thúc quý đầu niên độ tài chính 2020/2021 (1/4/2020 – 30/6/2021), báo cáo tài chính của JVC cho biết, doanh thu thuần hợp nhất trong kỳ đạt 90,3 tỷ đồng, giảm 27,9% so với cùng kỳ niên độ trước; lợi nhuận sau thuế âm 727 triệu đồng, đảo chiều so với mức lãi 2,68 tỷ đồng của cùng kỳ.

Doanh thu hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là mảng vật tư tiêu hao mặt hàng phim chụp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là nguyên nhân được JVC lý giải dẫn đến lợi nhuận âm trong quý vừa qua.

Tính đến 30/6/2020, JVC lỗ lũy kế 1.015,8 tỷ đồng, chiếm 90,3% vốn điều lệ; tổng vốn chủ sở hữu còn 530,6 tỷ đồng, chủ yếu là phần thặng dư vốn cổ phần ghi nhận sau các lần phát hành tăng vốn năm 2013 và 2015.

JVC có lỗ lũy kế lớn chủ yếu là do năm 2015, một lãnh đạo cấp cao của Công ty bị khởi tố và trong niên độ tài chính đó, doanh nghiệp lỗ hơn 1.330 tỷ đồng bởi phải trích lập dự phòng các khoản phải thu.

Doanh nghiệp lỗ thêm gần 32 tỷ đồng trong niên độ 2016/2017. Hai niên độ tài chính tiếp theo (2017/2018 và 2018/2019), hoạt động kinh doanh của JVC có lãi, lợi nhuận sau thuế bình quân đạt 10 tỷ đồng/năm.

Trong niên độ 2019/2020, kết quả kinh doanh kém hơn khi doanh thu hợp nhất giảm 16% so với niên độ trước và hoàn thành 74% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 2,8 tỷ đồng, chỉ đạt 16% kế hoạch do ảnh hưởng từ trích lập dự phòng phải thu khách hàng.

Hoạt động kinh doanh của JVC được nhận định vẫn còn nhiều khó khăn. Ngành dịch vụ thiết bị y tế có biên lợi nhuận hoạt động khá mỏng. Do đó, để tăng lợi nhuận thì quy mô và sức tăng trưởng doanh thu đóng vai trò quan trọng.

Điều này một mặt phụ thuộc vào mối quan hệ của doanh nghiệp với các bệnh viện và cơ sở y tế, mặt khác là năng lực tài chính để tham gia các gói đấu thầu, nhưng cả hai yếu tố đó của JVC đều đang kém so với trước.

Trong khi đó, nếu không đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đạt doanh thu tốt sẽ ảnh hưởng đến phần tiền hỗ trợ, thưởng doanh số từ nhà cung cấp (ghi nhận vào thu nhập khác), vốn đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc lợi nhuận của JVC.

Trong niên độ 2018/2019, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty chỉ đạt 0,6 tỷ đồng, lợi nhuận này trong niên độ 2019/2020 âm 12 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế có được chủ yếu đến từ phần tiền hỗ trợ, thưởng doanh số trên 12 tỷ đồng mỗi niên độ.

Khoản tiền hỗ trợ, thưởng doanh số từ nhà cung cấp trong quý đầu niên độ 2020/2021 chỉ đạt 403 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 3,27 tỷ đồng của cùng kỳ.

Ngoài ra, rủi ro từ những khoản phải thu vẫn hiện hữu, dù đã được JVC trích lập dự phòng.

Tính đến 30/6/2020, tổng giá trị phải thu là 1.373 tỷ đồng, Công ty đã trích lập dự phòng 1.198 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phải thu ngắn hạn là 174,1 tỷ đồng, tăng 23,2% so với đầu năm.

Trong số này, bên cạnh các khoản nợ xấu phát sinh từ giai đoạn 2015 – 2016 đến nay chưa được giải quyết, nợ xấu mới có xu hướng tăng.

Trong niên độ 2019/2020, Công ty phải trích lập dự phòng 8,5 tỷ đồng, gấp 4,4 lần niên độ trước đó. Trong quý đầu niên độ 2020/2021, giá trị nợ xấu tăng thêm 27,3 tỷ đồng và Công ty phải trích lập dự phòng 2,7 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT), thực tế tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp của các cổ đông mới (có liên quan đến nhóm nhà đầu tư tham gia vào JVC) sau khi thâu tóm Công ty năm 2019 cho thấy, kỳ vọng của thị trường không dễ trở thành hiện thực.

Sau đợt tăng giá nhờ M&A, cổ phiếu NVT đi ngang rồi dần dần suy giảm, thanh khoản gần như không có. 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của NVT là 10,6 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2019.

Với Long Hậu, nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Công ty khởi sắc khi doanh thu thuần đạt 388 tỷ đồng, tăng 39% nhờ đẩy mạnh hoạt động cho thuê đất; lợi nhuận ròng đạt 111 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ phận tự doanh một số công ty chứng khoán đánh giá, giá cổ phiếu LHG đã tăng cao, nhưng phù hợp với giá trị tài sản của doanh nghiệp. Ở góc nhìn lợi nhuận và định giá theo P/E, cổ phiếu LHG vẫn có dư địa tăng.

Kỳ vọng này dựa trên ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2020 của LHG tăng 50% so với năm 2019 và mức P/E forward (dự tính) khoảng 6,2 lần.

Riêng với nhà đầu tư dài hạn, khẩu vị là cổ phiếu của doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt và giá cả hợp lý, Khối phân tích Công ty Chứng khoán Funan không khuyến khích mua vào cổ phiếu LHG tại vùng giá hiện nay.

Theo TNCK