GDP năm 2022 ghi nhận tăng 8,02%, đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố sáng nay (29/12) cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Đáng nói, GDP năm 2022 ước tăng 8,02%, lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua.
Ước tính, GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như bán buôn, bán lẻ (10,15%), vận tải kho bãi (11,93%), lưu trú và ăn uống (40,61%).
Tính chung năm 2022, cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Dù vậy, quy mô chỉ đạt 82,5% so với ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch bệnh.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,661 triệu lượt người trong năm nay, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019.
Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế-xã hội nước trong năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao.
Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Bện cạnh đó là cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán…
Những yếu tố này đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp.
Trên cơ sở đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
“Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả, một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch COVID-19,” bà Hương nói.
Lam Song