Nga là một nước phong phú về tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than và quặng thép…
Mặc dù Nga là nền kinh tế xếp hạng thứ 12 thế giới, nhưng tăng trưởng GDP của nước này trong nhiều năm qua liên tục sụt giảm.
Từ năm 2008, kinh tế Nga bắt đầu rơi vào khó khăn, khiến các doanh nghiệp nước ngoài lục đục rút vốn hoặc không có ý định đầu tư. Giai đoạn 2015 – 2019, GDP Nga liên tục giảm, dao động từ 1,2% đến 3,8%.
Kinh tế Nga “buồn”…
Từ khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga ra đời với rất nhiều thay đổi. Người Nga mong tìm lại quá khứ hào hùng, khẳng định vị thế cường quốc. Nhưng nước này gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đối mặt với tình trạng dân số giảm, đồng nội tệ yếu và nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ.
Dân số Nga giảm trầm trọng- mỗi năm 250.000 người, dẫn đến hao hụt lực lượng lao động, không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, trong khi chi phí an sinh xã hội tăng vọt.
Dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 60% xuất khẩu của Nga, sẽ rất thuận lợi nếu như giá dầu ở mức chấp nhận được, các doanh nghiệp làm ăn có lãi. Nhưng dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá dầu giảm mạnh, đẩy kinh tế Nga vào thảm trạng.
Kim ngạch xuất khẩu của nước này được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2020 xuống còn 250 tỷ USD, so với con số 419 tỷ USD năm 2019, khiến thặng dư cán cân thương mại thu hẹp. Thặng dư cán cân thương mại tháng 3 của Nga đã giảm xuống 9,31 tỷ USD, giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền tài chính tiền tệ của Nga gắn chặt với giá dầu nên cũng chịu ảnh hưởng domino. Đến nay, USD đang giao dịch ở mức hơn 72 RUB/USD, trong khi đồng EUR giao dịch ở mức 82 RUB/EUR, cho thấy RUB đang giảm mạnh xuống mức thấp trong nhiều năm qua.
Với những khó khăn chồng chất nói trên, nhiều chuyên gia dự báo GDP của Nga sẽ giảm từ 4 đến 6% trong năm 2020.
Việt Nam không thể vui
Chắc chắn kinh tế Nga suy thoái sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam, nhưng câu hỏi đặt ra là ảnh hưởng như thế nào, mức độ ra sao để biết cách điều chỉnh nhằm tránh thiệt hại.
Nga là một trong những đối tác truyền thống của Việt Nam, hai bên đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EAEU. Hiện có khoảng 24 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nga, chủ yếu thuộc nhóm nông – lâm – thủy sản.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga trong tháng 3/2020 đạt 36,2 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung quý 1/2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 104,6 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo dự kiến, kim ngạch thương mại song phương Việt – Nga sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh và giá dầu, hai nước sẽ khó đạt được mục tiêu này trong năm nay.
Hàng hóa nhập về Việt Nam được tính bằng đồng USD, trong khi hàng hóa bán ra ở Nga được quy về đồng RUB. Đồng nội tệ Nga đang rớt giá, sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ đối tác với doanh nghiệp Nga.
Cũng như vậy, những mặt hàng nhập từ Việt Nam sẽ không còn “thân thiện” với người tiêu dùng Nga, họ sẽ tập trung vào hàng nội địa để cắt giảm chi tiêu cá nhân.
Việc kinh tế Nga suy thoái, đồng RUB mất giá cũng ảnh hưởng đến sức mua của liên minh thị trường EAEU (Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan, Armenia và Belarus). Ngược lại, hàng hóa từ liên minh này sẽ đổ bộ vào nước ta gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.
Trương Khắc Trà