Tại Công văn số 4358/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, Ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch.

img20181012144614-enternews-1643556387

Cụ thể, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

Dậm chân tại chỗ

Trên thực tế, câu chuyện giải quyết dự án treo dù nói nhiều nhưng vẫn nóng. Dự án treo không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáng lưu ý phải kể đến TP. Hà Nội với 383 dự án; TP. HCM 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án…

Các địa phương dù quyết tâm ra tay nhưng thực tế việc xử lý dự án treo vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đơn cử như tại Hà Nội, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố nhưng kết quả xử lý dự án treo đạt rất thấp. Báo cáo của HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.

Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

“Quy định là vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, vị này nói.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung – Phó Ban Pháp chế (Hiệp hội BĐS Việt Nam), bên cạnh thu hồi, trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chế tài đối với hành vi: “nếu gây thiệt hại cho người dân khi chậm triển khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì phải bồi thường cho người sử dụng đất”.

Đối với các quy hoạch và các dự án đang “bị treo”, Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm với một hạn định rõ ràng, tránh việc chỉ đạo xong rồi để đấy.

Các địa phương cần quyết liệt

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng: Bên cạnh việc thu hồi cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư chậm triển khai dự án, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để giao đất. Cơ sở để đánh giá năng lực tài chính là báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính trong vòng 3 năm gần nhất.

Với những trường hợp dự án chậm triển khai, nhất là dự án “treo” dài hạn, cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. “Tốt nhất nên xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp, như vậy chủ đầu tư sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án. Cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực” – ông Võ nêu quan điểm.

Đưa ý kiến về vấn đề kiên quyết thu hồi các “quy hoạch treo”, “dự án treo”, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật bày tỏ: Các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc thu hồi dự án “treo” để tránh lãng phí nguồn lực, không để xảy ra tình trạng “xin-cho”. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát dự án được giao đất để nắm hiện trạng, sớm triển khai các biện pháp xử lý.

“Cần gắn trách nhiệm của địa phương nếu trên địa bàn có dự án chậm tiến độ nhưng sau nhiều năm không kiến nghị thu hồi theo quy định” – luật sư Bình cho hay.

Hồng Phượng