Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), có đến 60% doanh nghiệp Nhật cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1 – 2 năm tới.
Cụ thể, theo khảo sát các chỉ số về triển vọng, lợi nhuận, mở rộng đầu tư kinh doanh… của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ thu mua tại chỗ, nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện tại Việt Nam là 37,3%, trong đó thu mua từ doanh nghiệp Việt Nam là 15%. Với số liệu này, Tổ chức JETRO cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi tại Việt Nam so với khu vực ASEAN cũng như toàn khu vực châu Á, châu Đại Dương là tương đối thấp. Lý do, đa số doanh nghiệp gặp khó khăn trong mua linh kiện, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, các chI phí logistics, giá nhân công tăng, ảnh hưởng biến động tỷ giá… dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp.
Về nguyên nhân khiến tỷ lệ thu mua nội địa từ doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đại diện JETRO tại TP.HCM cho rằng, quan trọng là chất lượng hàng hóa được cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng yêu cầu, chất lượng không cao. Chính vì thế, việc đào tạo về công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Hơn 60% doanh nghiệp cho rằng, việc mở rộng kinh doanh của họ một phần được sản xuất từ Trung Quốc và mang sang Việt Nam.
Mặc dù tỷ lệ thu mua nội địa thấp nhưng nhiều chỉ số trong khảo sát ghi nhận doanh nghiệp Nhật đánh giá cao và tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, hơn 47% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho biết kinh doanh năm 2022 được cải thiện hơn nhiều so với năm 2021. Đáng chú ý, gần 54% số doanh nghiệp trả lời tin tưởng về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023, chỉ có gần 7% doanh nghiệp nhận định sẽ suy giảm.
Đáng chú ý, có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1 – 2 năm tới, tăng 4,7 điểm. Kết quả này được đánh giá cao nhất khu vực ASEAN; 59,5% doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tăng 5,2 điểm so với năm trước; doanh nghiệp bị lỗ giảm 7,8 điểm; doanh nghiệp thu hẹp hoặc chuyển sang nước thứ ba chỉ hơn 1%, giảm 1,1 điểm so với năm trước.
Liên quan đến thông tin trong báo cáo trên, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hanoi, nhận định: “Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN, trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ thu hẹp hay chuyển sang nước khác chỉ 1,1%. Lý do là các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu và nhìn vào tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế”.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Nhật Bản đứng thứ 3 trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam tiếp tục duy trì các điều kiện thu hút FDI hiện có nhưng đồng thời cũng chọn lọc nguồn vốn để nâng cao hiệu quả.
Cũng theo JETRO, vấn đề đầu tiên mà Việt Nam cần thải thiện về môi trường kinh doanh là tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính để tạo ra lợi thế lớn thu hút FDI so với các nước trong khu vực ASEAN.
Minh Anh