Một trong những dấu ấn của Hội nghị Thượng đỉnh G7 là gói biện pháp nằm trong “Tuyên bố Vịnh Carbis”, hướng tới mục tiêu 100 ngày phát triển vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh tật.
Được biết, mục tiêu của các biện pháp này là đảm bảo thế giới sẽ không bao giờ bị mất cảnh giác thêm một lần nữa, đồng thời nêu ra một số các khuyến nghị về cách các chính phủ có thể nhanh chóng ứng phó với các đợt dịch bùng phát mới.
“100 ngày đầu tiên sau khi xác định được mối đe dọa là rất quan trọng để thay đổi hướng phát triển cũng như có thể ngăn chặn việc bùng phát trở thành đại dịch”, thông báo từ Vương quốc Anh cho biết.
Bên cạnh đó, tuyên bố này cho biết các quốc gia G7 sẽ tập trung vào việc cắt giảm thời gian cần thiết để phát triển và cấp phép vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho bất kỳ loại bệnh nào trong tương lai, cũng như đưa ra cam kết củng cố mạng lưới giám sát toàn cầu và năng lực giải trình tự gen, đồng thời hỗ trợ cải cách và củng cố Tổ chức Y tế Thế giới.
“Điều quan trọng là chúng ta không được phép lặp lại những sai lầm của cuộc khủng hoảng lớn vừa diễn ra và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khiến quá trình phục hồi không diễn ra đồng đều ở tất cả các thành phần của xã hội. Tôi nghĩ rằng, những sai lầm trong đại dịch này có nguy cơ để lại một vết sẹo lâu dài và sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo khối G7 vẫn đang bất đồng về kế hoạch phân bổ 100 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp nước nghèo đối phó khủng hoảng Covid-19. Các dự thảo tuyên bố chung của nhóm G7 cho thấy Đức và Italy chưa ủng hộ đưa 100 tỷ USD vào thông cáo chung. Điều này thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ G7 về cách thức phân bổ số tiền dự trữ trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Cho đến nay, việc chẩn đoán, điều trị và phân phối vaccine COVID-19 vẫn chưa đạt được sự công bằng giữa các nước trên thế giới. Trong khi một số quốc gia thu nhập cao có đủ lượng vaccine cần thiết để tiêm cho toàn bộ dân số của họ, thì các quốc gia nghèo, thu nhập thấp thậm chí còn chưa được tiếm cận nguồn vaccine. Một trong số những lý do khiến việc việc hỗ trở trở nên khó khăn do nguồn tài chính thiếu hụt đáng kể.
Các nhà kinh tế của IMF đã ước tính, sẽ tốn 50 tỷ USD để tiêm chủng cho 60% dân số thế giới vào giữa năm tới. Theo Robert Yates, nhà nghiên cứu chính sách công giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Chatham House nhận định, các nước G7 sẽ đóng góp 60% nguồn lực để đạt được con số 50 tỷ USD này.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu G7 không nhanh chóng và quyết liệt hơn trong việc đưa ra các phản ứng kịp thời, virus sẽ lây lan như cháy rừng và nguy cơ các chủng đột biến mới xuất hiện và kháng lại vaccine. Điều này có thể làm suy yếu nỗ lực của chính họ.
Do tác hại chưa từng có của đại dịch COVID-19, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay được giới quan sát đánh giá là một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 tại Anh cũng đánh dấu sự trở lại của Mỹ sau thời gian đóng băng quan hệ với các nước đồng minh dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump.
Điều này được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước đi mới cho G7 trong việc xây dựng các phản ứng nhanh chóng và kịp thời, cũng như củng cố hợp tác giữa các nền kinh tế lớn của thế giới để đối phó với các vấn đề thách thức mang tính toàn cầu.
Cẩm Anh