Chuyển tới nội dung

Fujifilm “cải tử hoàn sinh”

Một công ty truyền thống về nhiếp ảnh lại kiếm lợi nhuận nhờ ngành sinh học dược phẩm! Đó chính là câu chuyện của Fujifilm.

capture-enternews-1626358355

 

Fujifilm là một công ty đặc biệt. Khởi đầu là một hãng nhiếp ảnh và những sản phẩm liên quan, trong khi cả ngành nhiếp ảnh truyền thống ngắc ngoải, công ty này đã sống sót qua thời kỳ suy tàn mà vẫn có lợi nhuận.

Điều này là nhờ Fujifilm đã biết đổi hướng, đa dạng hóa nhiều loại hình kinh doanh, từ thuốc, mỹ phẩm đến các loại vật liệu tiên tiến, cùng với các sản phẩm nhiếp ảnh.

Một trong những đầu tàu dẫn dắt thành công của Fujifilm là Shigetaka Komori – người đã gắn bó 20 năm dưới tư cách cố vấn và mới về hưu tháng trước. Ông đã đưa công ty nhiếp ảnh 87 năm tuổi đời này trở thành một đơn vị dẫn đầu trong ngành dược phẩm sinh học.

Câu chuyện đổi mới của Fujifilm bắt đầu từ năm 2000 khi Komori nhận chức chủ tịch. Lúc này thị trường phim chụp ảnh rơi vào trạng thái rơi tự do. Ông tiến hành cắt giảm chi phí và mua lại một số công ty dược – mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp khác để chuẩn bị cho công cuộc thay đổi diện mạo Fujifilm.

Theo đó, Fujifilm mua lại nhà sản xuất thiết bị siêu âm SonoSite của Mỹ, công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Irvine Scientific and Cellular Dynamics – chìa khóa trong liệu pháp tế bào. Năm 2011, Fujifilm mua lại hai nhà sản xuất dược phẩm sinh phẩm hàng đầu từ Merck & Co. Đây là đơn vị đứng thứ 2 trong lĩnh vực này, chỉ sau Lonza của Thụy Sỹ.

175994-enternews-1626358402

 

Tại Nhật Bản, Fujifilm mua lại Công ty hóa chất Toyama Chemical năm 2008. Đầu năm nay, họ lại tiếp tục mua lại mảng Chẩn đoán hình ảnh của Hitachi.

Không chỉ có công nghệ từ những thương vụ mua lại, bản thân Fujifilm cũng tìm ra cách ứng dụng các công nghệ cấp độ vi mô trong làm phim chụp ảnh vào ngành hoá – dược – mỹ phẩm. Rồi sau đó là y tế tiên tiến – trọng tâm của quá trình chuyển đổi của họ.

Cụ thể hơn, thành phần chính trong film là gelatin. Đây là chất có nguồn gốc từ collagen, thành phần giúp da người có độ bóng và sức đàn hồi. Quá trình oxy hóa làn da cũng tương tự như nguyên nhân khiến ảnh bị mờ dần. Và dĩ nhiên Fujifilm đã nghiên cứu rất lâu về vấn đề này, vì vốn dĩ họ là công ty nhiếp ảnh. Ngoài ra, các công nghệ trong xử lý màn ảnh cũng rất hữu ích để giúp làn da tăng cường khả năng hấp thu hình ảnh.

Sau nhiều năm chuyển hướng, những thành tựu và công nghệ của Fujifilm đã chứng minh tầm quan trọng của mình khi đại dịch đe doạ toàn cầu.

Công nghệ của Fujifilm được sử dụng để tạo ra kháng nguyên cho vaccine Covid-19 Novavax, mặc dù Nhật Bản vẫn chưa phê duyệt. Ngoài ra, Fujifilm cũng chuyên về mảng công nghệ nano có mặt trong các loại vaccine mRNA, chẳng hạn Pfizer và Moderna.

cropped-1588866574rtx7euf2-enternews-1626358462

 

Bên cạnh đó, Fujifilm còn phát triển phương pháp xét nghiệm coronavirus PCR cho kết quả trong 75 phút. Những phương pháp cũ phải mất nhiều giờ đồng hồ mới cho ra kết quả. Vào tháng 3, họ còn ra mắt bộ kit phát hiện nhiều biến thể của Covid-19. Thậm chí thuốc cúm Avigan của họ còn đang được nghiên cứu để điều trị coronavirus.

Và hơn hết, những công nghệ này đem đến lợi nhuận cho Fujifilm. Theo đó, Fujifilm ghi nhận mức lợi nhuận ròng 181,2 tỷ yên (1,6 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3, tăng 45% so với năm trước.

Takatoshi Ishikawa, Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao của Fujifilm, chia sẻ: “Người ngoài nhìn vào có thể bối rối không biết Fujifilm làm gì với nhiều mảng kinh doanh như thế. Tuy nhiên là người trong cuộc, chúng tôi luôn kết nối các mảng này bằng nhiều cách với công nghệ cơ bản.”

Giáo sư Kenshu Kikuzawa của Đại học Keio Tokyo cho biết Fujifilm có “năng lực động”, một loại năng lực giúp doanh nghiệp vượt qua các đợt cắt giảm chi phí và các phương pháp thông thường khác để tái tạo lại chính mình.

3000-enternews-1626358526

 

Thật ra không chỉ có mình Fujifilm là hãng nhiếp ảnh chuyển đổi sang dược phẩm. Kodak cũng là một ví dụ tương tự khi hãng này đã quyết định mua lại Sterling Drug năm 1988. Tuy nhiên Kodak nhanh chóng bán đi vào năm 1994. Dù vẫn hoạt động đến nay, thế nhưng công ty vừa công bố khoản lỗ ròng 541 triệu USD vào năm 2020.

Trong cuốn sách “Đổi mới thoát khỏi khủng hoảng” ra mắt năm 2015, Komori chia sẻ cuộc sống là phải chiến đấu với đối thủ, với thời gian, với số phận, sự khó khăn, truyền thống và điểm yếu của bản thân.

Ông viết rằng: “Dù vẫn còn tồn tại một số vấn đề, thế nhưng tôi tin rằng các công ty Nhật Bản vẫn có tiềm năng rất lớn. Và sức mạnh tối ưu của Nhật Bản là công nghệ. Đó là công nghệ vững chắc từ những nhân viên chăm chỉ và trung thành, những người luôn cố gắng tạo ra những thứ tốt hơn, mới hơn.”

Theo Komori, ông đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Từ chức trong bối cảnh mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp như vậy là cách để lứa lãnh đạo trẻ tiếp nhận. Và dĩ nhiên, Komori luôn tự tin với vị trí của Fujifilm, đặc biệt khi công ty này đang có những đóng góp quan trọng trong đại dịch.

Quân Bảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved