Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng năm 2022 ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, các FTAs đã trợ lực cho xuất khẩu gỗ.
Dự báo tăng trưởng 8% trong nửa đầu năm 2022
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết, cùng với tình hình dịch bệnh khó lường, nhưng ngành gỗ vẫn duy trì đà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Điều này cho thấy sự điều hành thống nhất, linh hoạt, đúng hướng của Chính phủ, các Bộ ban ngành và Hiệp hộị.
Trong đó, đáng chú ý là của các doanh nghiệp ngành gỗ đã biến thách thức thành cơ hội, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, tính linh hoạt, tìm tòi, sáng tạo của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là còn có sự góp phần của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định.
Vẫn còn những thách thức
Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, diễn biến khó lường của dịch Covid-19; nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị; giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng… Đáng chú ý, năng lực tự chủ về logistics được coi là rào cản lớn nhất.
Ông Nguyễn Sỹ Hòe – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Tài – chia sẻ, thời điểm này, doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối diện với những khó khăn do lạm phát tại thị trường nhập khẩu, logistics và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraina làm các chi phí đầu vào của ngành gỗ tăng nhanh. “Gần như đây là thời điểm khó khăn nhất, chưa bao giờ mà chi phí logistics tăng nhanh mức độ như vậy, gấp từ 5-7 lần như vậy so với thời điểm trước dịch Covid-19”, ông Nguyễn Sỹ Hòe chia sẻ.
Dù vậy, doanh nghiệp Phú Tài vẫn tiếp tục có những hoạt động nghiên cứu, nắm bắt và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ để khi có cơ hội thì sẽ tăng tốc xuất khẩu bởi theo ông Nguyễn Sỹ Hòe, con số xuất khẩu 15-16 tỷ USD mỗi năm của ngành gỗ Việt Nam là khá khiêm tốn trong tổng lượng gỗ nhập khẩu trên toàn thế giới, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, EU. “Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đặt ra cho năm nay theo tôi là đạt được, chỉ có tỷ xuất lợi nhuận của doanh nghiệp là sẽ không đạt được”, ông Nguyễn Sỹ Hòe chia sẻ thêm.
Ở góc độ kém lạc quan hơn, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) – cho rằng, mặc dù nhiều doanh nghiệp chia sẻ đến thời điểm này đã kín đơn hàng đến giữa năm, thậm chí đến hết quý III/2022, nhưng gỗ không giống như các mặt hàng khác, con số đơn hàng này chỉ là số tương đối. “Khách hàng họ đặt đơn hàng cho lô này trong vòng 2 tháng và gần đến ngày đó họ sẽ đặt cho đơn hàng mới. Do đó, để nói kín đơn hàng nguyên năm là nói chung chung chứ không cụ thể”, ông Nguyễn Liêm giải thích.
Cùng với yếu tố lạm phát tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Chi phí vận chuyển đang rất cao đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Có những mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giá trị sản phẩm nằm trong container thấp hơn nhiều so với giá vận chuyển. “Xuất khẩu ngành gỗ đang nằm trong nhóm tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nếu kiểm tra kỹ lại thì tỷ trọng tăng trưởng so với những năm trước sẽ thấp hơn. Với kinh nghiệm gần 30 năm trong ngành, tôi dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm nay chỉ đạt con số 5-7% chứ khó đạt con số 19% như năm 2021”, ông Nguyễn Liêm nhận định.
Để tăng tốc xuất khẩu, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng với hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.
Cơ hội mà các FTAs mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, do một số hạn chế, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết các cơ hội này, chính vì vậy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường có FTAs với Việt Nam chưa có nhiều bứt phá.
Do phần lớn các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm các dòng thuế, tuy nhiên không ít đối tác sau đó vẫn có xu hướng bảo hộ thông qua việc áp dụng các hàng rào cản kỹ thuật mới, những yêu cầu khắt khe khác như: Vấn đề lao động, bảo vệ môi trường, yêu cầu xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu đầu vào….
Điều này dẫn đến, dù hàng rào thuế quan giảm xuống nhưng hàng rào phi thuế quan lại gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Do đó, để hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, cần sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại…
Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh việc khai thác tối đa ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do cần tiếp tục chú trọng bên cạnh việc áp dụng các giải pháp quản trị rủi ro, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài…. Theo đó, cần cải thiện các mô hình kinh doanh, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định và thâm nhập vào thị trường mới.