Trong khi dịch bệnh Covid -19 đang khiến bóng đen bao trùm nền kinh tế trong nước và thế giới thì việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực có thể được xem như là tín hiệu vui, giúp thắp sáng nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng.
Mở rộng thị phần xuất khẩu gạo, gỗ hải sản
Sau gần 10 năm đàm phán, kể từ ngày 1/8/2020, EVFTA chính thức có hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, gạo…
Với lĩnh vực xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho hay, xuất khẩu gạo sang EU năm 2019 chỉ đạt 10,9 triệu USD (tăng 92,4% so với năm 2018). Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng mạnh do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Thế nhưng thị phần gạo Việt vẫn còn đang khá ít ỏi.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gạo Việt khó tìm đường sang EU là bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa. Nhưng với việc EVFTA chính thức có hiệu lực, mọi rào cản về thuế suất gần như được xóa bỏ, đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải – Phó cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.
Theo dự báo của Bộ Công thương xuất khẩu gạo vào EU đến năm 2025 sẽ tăng tới 60% so với hiện nay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
Không chỉ mặt hàng gạo, mặt hàng gỗ cũng được kỳ vọng là sẽ có sự tăng trưởng đột biến. EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới, mặc dù Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch xuất vào EU vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của thị trường này.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trở lại. Đáng chú ý, trong khối EU, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 8,5 triệu USD trong tháng 6/2020, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất lớn thứ 11 cho Đức, vì vậy vẫn còn cơ hội để tăng thị phần. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước có hơn 4.600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ. Hiện, các doanh nghiệp kỳ vọng, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ giúp cho ngành Gỗ có những đột phá trong xuất khẩu.
Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngoài cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh hay Indonesia bởi khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 212 dòng thuế của ngành Thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.
“EVFTA có hiệu lực cắt giảm thuế về 0 tương ứng với 90% sản phẩm vào EU sẽ được giảm thuế. Trước đây, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trung bình trên 10%. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU. Đặc biệt, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phục hồi lại đà xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, bởi việc đảm bảo nguồn gốc chặt chẽ sẽ giúp các nhà nhập khẩu yên tâm hơn, từ đó gia tăng được số lượng xuất khẩu” ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngành Thủy sản cũng sẽ có cơ hội thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, tôm chính là mặt hàng được hưởng lợi khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Hiện mặt hàng này đang chịu thuế suất khá cao (tôm tươi thuế suất 4,2%) nhưng sẽ về 0% ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực, tôm luộc (đang chịu mức thuế 15%) sẽ giảm thuế sau 3-7 năm.
Tăng cường bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Những cam kết trong EVFTA được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như giày dép, dệt may… Việt Nam cũng tiếp cận các sản phẩm ôtô, dược phẩm, hóa chất, máy móc, thiết bị phụ trợ… của EU.
Tuy nhiên, để biến EVFTA thành lợi thế cạnh tranh, đồng thời có thể bảo hộ được hàng hóa của Việt Nam thì nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý.
Trong Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ, bởi đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Chính vì sự nổi tiếng này, các thương hiệu cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa mượn thương hiệu để bán tới tay khách hàng.
Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) từng cho biết, khi đàm phán thỏa thuận Hiệp định EVFTA, trong danh sách Việt Nam đề xuất có 41 chỉ dẫn địa lý, nhưng EU chỉ đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được bảo hộ chủ yếu là hàng rau quả, thủy sản và chế biến từ thủy sản (chiếm khoảng 13%). Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, cũng như đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng của người tiêu dùng EU, việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Để bảo hộ được thương hiệu và thực hiện cam kết về chỉ dẫn địa lý đòi hỏi Việt Nam cần có những sửa đổi luật pháp về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là việc xử lý với các vi phạm về các vấn đề có liên quan. Hiện nay khá nhiều thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đang bị vi phạm bản quyền. Có thể kể tới như nước mắm Phú Quốc, vải Lục Ngạn…
Việc thực thi các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, ký kết bao gồm các nội dung về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng, đòi hỏi có sự sửa đổi về pháp luật sở hữu trí tuệ, đặt việc bảo hộ các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý trước những cơ hội và thách thức không nhỏ.
Trước hoàn cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương lựa chọn hình thức bảo hộ dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý phù hợp và hiệu quả hơn để phát huy tiềm năng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền.
“Để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý”. Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. |
Minh Anh