Kinh tế châu Âu ảm đạm vì dịch bệnh COVID-19, EURO sẽ là cứu cánh kịp thời để bù vào khoảng trống tăng trưởng.
Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) năm nay không chỉ là sự kiện thể thao đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa kinh tế đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã làm cạn kiệt cơ hội kiếm tiền ở “lục địa già” và toàn thế giới.
Bản quyền phát sóng 51 trận đấu trong khuôn khổ EURO là món hàng bán chạy nhất ở thời điểm hiện tại – Liên đoàn bóng đá châu Âu đã phân phối đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thấy gì không? Vàng, dầu mỏ, dollars, chất bán dẫn, máy móc thiết bị,… những thứ tối quan trọng để phát triển kinh tế cũng không thể bán chạy hơn các trận đấu bóng đá 4 năm mới diễn ra một lần.
Dự kiến, EURO năm nay UEFA thu về trên 5 tỉ Euro, gấp 1,5 lần cách đây 5 năm và hơn 2 lần so với năm 2012. Doanh thu này mới chỉ là bán bản quyền phát sóng. Tất cả không chỉ chừng ấy!
Với Adidas – thương hiệu sản xuất đồ thể thao hàng đầu thế giới đã chi ra 50 triệu USD tài trợ áo đấu cho đội tuyển Đức. Dĩ nhiên, toàn bộ ekip “The Mannschaft” sẽ diện trang phục trên sân đấu có gắn logo của hãng ở vị trí đẹp nhất – đây chính mà marketing.
Hàng rào điện tử xung quanh sân bóng cũng là nơi có tiền chưa chắc lên được – nơi mà các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như MasterCard, Canon, Vodafone, Nike, Adidas, Mercedes, Toyota mới đủ tiềm lực chạy quảng cáo.
Năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai mua không gian quảng cáo (vài chục giây mỗi trận) trên bảng điện tử của 5 sân vận động thuộc 5 câu lạc bộ hàng đầu Ngoại hạng Anh, con số không được tiết lộ chính xác, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, khoảng vài triệu USD! Chưa có thống kê về tiền quảng cáo suốt 51 trận đấu EURO năm nay, nhưng con số sẽ là hàng tỷ Euro.
Tiếp đến là cơ hội kinh doanh “lâu lâu có một” của các đài truyền hình quốc gia, các hãng truyền thông tư nhân trên toàn cầu. Các đơn vị này không bỏ hàng triệu USD mua bản quyền để phát cho vui, họ sẽ kiếm lại cả vốn lẫn lời bằng cách bán lại thời lượng quảng cáo trước, giữa và sau mỗi trận đấu.
Hầu hết các đài truyền hình đều tổ chức bình luận trước, và sau trận để lôi kéo khán giả. Nhưng quan trọng là tạo không khí sôi động để thỉnh thoảng chèn… quảng cáo.
Trận chung kết EURO 2016, bảng giá quảng cáo của VTV cho mỗi block 30s là 350 triệu đồng. Ngoài ra, các block quảng cáo 10s, 15s và 20s trong trận chung kết cũng có giá cao ngất ngưởng, lần lượt là 175 triệu đồng, 210 triệu đồng và 233 triệu đồng.
Trong khuôn khổ giải EURO 2016 như bình luận, nhật ký, khoảnh khắc sôi động,… báo giá quảng cáo cũng khồng hề thấp, khi mức cao nhất lên tới 230 triệu đồng.
Tại Singapore, nhà mạng Singtel bán cho khách hàng trọn gói 51 trận đấu trong khuôn khổ EURO năm nay khoảng từ 83 – 88 SGD (tương đương 1,4 -1,5 triệu đồng); tại Malaysia, Astro sở hữu bản quyền phát sóng toàn bộ 51 trận đấu. Astro đưa ra các gói có chi phí từ hơn 500.000 đồng/tháng đến gần 800.000 đồng/tháng.
Trên các trang mạng ở Việt Nam bắt đầu rao bán áo đấu chính thức, chính hãng của các đội tuyển dự EURO, ví dụ áo đấu Croatia, Bồ Đào Nha từ 120 – 150.000đ/bộ.
Doanh thu lớn nhất và hấp dẫn nhất đến từ ngày hội bóng đá này là du lịch. Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh hoành hành, châu Âu khó có thể khai thác “mỏ vàng” này. Nhưng EURO – như thế cũng đã mang đến miếng bánh ngọt ngào cho rất nhiều lĩnh vực.
Nó không chỉ là thể thao, đằng sau đó là chuỗi giá trị/chuỗi cung ứng các sản phẩm dịch vụ cùng hoạt động nhộn nhịp trên toàn thế giới. EURO chính là “con gà đẻ trứng vàng”.
Vì thế, bất chấp rình rập từ COVID-19, châu Âu vẫn quyết định tổ chức giải bóng đá này ở 11 quốc gia và số đội tham gia tăng từ 16 lên 24 để tối đa hóa cơ hội kinh doanh.
Trương Khắc Trà