Nói không với năng lượng Nga không dễ dàng chút nào, nhưng Liên minh Châu Âu (EU) vẫn tìm cách xoay xở khí đốt mà không ảnh hưởng đến các lệnh cấm vận đối với Nga.
EU đang soạn thảo kế hoạch giúp các quốc gia thành viên có thể nhập khẩu khí đốt của Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt hiện có, đồng thời đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp.
“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
EU đang mắc vào “mớ bùng nhùng” mang tên năng lượng. Nếu không cấm vận được Nga, khó lòng khiến ông Putin “nhũn tay”. Ngay cả khi quyết tâm chính trị của EU cao ngất ngưỡng, cũng chẳng thể ngó lơ thực tế nghiệt ngã- không có khí đốt Nga, EU thật khó sống yên bình.
Bởi vậy, EU đang tìm cách “né” lệnh cấm vận do chính họ ủng hộ nhiệt thành nhằm vào Nga. Xem ra có vẻ nghịch lý, song EU không thể làm khác. Theo đó, EU phải làm sao để vừa có khí đốt, dầu mỏ, phải thanh toán bằng đồng Rúp mà không làm giảm tính sát thương do SWIFT đặt ra.
Sức mạnh của “vàng đen” đã làm hồi sinh hệ thống ngân hàng Nga. Dù Nga đã bị ngắt khỏi SWIFT, nhưng chính các công ty phương Tây phải tự tìm đến Ngân hàng Trung ương Nga để có thể giao dịch dầu khí bằng đồng Rúp.
Sự chấp thuận này vô hình dung bác bỏ SWIFT, thậm chí loại EUR và USD ra khỏi hoạt động buôn bán năng lượng với Nga. Hơn nữa, điều này còn giúp cho đồng Rúp được quốc tế hóa rộng rãi ở Châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung.
Đến thời điểm này, có thể nói ông Putin là bên thắng trong cuộc đấu tài chính và năng lượng với Châu Âu và Mỹ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chiến sự ở Ukraine. Nói đúng hơn, Nga hoàn toàn đủ tiềm lực “nuôi” chiến sự kéo dài ở Ukraine.
Giá năng lượng quay đầu
Nhiều chuyên gia cho rằng đảm bảo dòng năng lượng thông suốt từ Nga sẽ giúp Châu Âu ổn định hơn, hạ mức lạm phát xuống dưới con số kỷ lục 6,1%, đồng thời tránh tối đa nguy cơ suy thoái kinh tế (dự báo tăng trưởng GDP của khối giảm từ 4% xuống còn 2,7% năm nay).
Bình thường hóa giao thương năng lượng Nga- EU giúp bình ổn thị trường khí đốt toàn cầu vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau năm 2021 đầy biến động. Nhu cầu khí đốt toàn thế giới năm 2022 ước tính thiếu khoảng 26 triệu tấn so với năng lực cung cấp 210 triệu tấn.
Hơn nữa, việc thông suốt giao dịch năng lượng của Châu Âu còn giảm áp lực lên giá dầu mỏ đang ở mức 112 – 114 USD/thùng vốn đang được xem là tới hạn sức chịu đựng của nhiều nền kinh tế. Nếu EU và Nga đạt được cam kết, theo các chuyên gia, giá dầu thô sẽ quay đầu và biến thiên quanh mốc 100 USD/thùng.
Đặc biệt, Chủ tịch FED tuyên bố sẽ có biện pháp cứng rắn hơn nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ nếu như lạm phát không được kiểm soát. Động thái này làm giảm nhu cầu mua dầu của nhà đầu tư, dẫn đến hạ giá dầu thô.
Tuy nhiên, EU sẽ phải chấp nhận nhượng bộ, tiếp tục lệ thuộc Nga về khí đốt, dẫn đến lép vế trong các vấn đề địa chính trị. Dĩ nhiên, Washington không hoàn toàn ở bên ngoài.
Trương Khắc Trà