Nếu dịch kéo dài đến tháng 6/2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể giảm 6-8% trong quý I và quý II. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại… những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có khả năng sẽ suy giảm. Riêng sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm dự báo vẫn có thể được duy trì.

Vấn đề cấp bách nhất của doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng, mà là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Lo nhất cuộc sống người lao động

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, về cơ bản việc đóng cửa biên giới của khối EU không ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa. Song, với đặc thù của trái cây tươi, hàng tuần doanh nghiệp có nhiều chuyến hàng xuất khẩu bằng đường hàng không, đi cùng với các chuyến bay chở khách. Trong khi các chuyến bay đến châu Âu bị cắt giảm, nên lượng hàng đi bằng máy bay không thể duy trì được tần suất như trước. Điều này dẫn đến xuất khẩu có thể sẽ bị sụt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam (Lefaso), diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày – túi xách Việt Nam là Mỹ, EU có dấu hiệu suy giảm mạnh đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý II, thậm chí quý III/2020 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại EU, Mỹ đang trên đà suy giảm sau các lệnh phong tỏa, đóng cửa điểm bán ở những quốc gia này”, bà Xuân nói.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean nhận định, nhiều khả năng thời gian ngưng nhận hàng của Mỹ và EU có thể kéo dài đến 2 tháng, tức là phải đến cuối tháng 4/2020. Vấn đề cấp bách nhất của doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng, mà là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Dù việc xuất khẩu bị đình trệ, doanh nghiệp giảm giờ làm nhưng vẫn phải trả lương cơ bản cho công nhân với mức trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, ước tính một doanh nghiệp quy mô vừa, có khoảng 1.000 lao động thì mỗi tháng phải chi trả hơn 6 tỷ đồng tiền nhân công, chưa kể một số doanh nghiệp lớn hiện có từ 5.000 – 10.000 lao động thì số tiền trả lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng tiền của doanh nghiệp bị đọng lại trong nguyên phụ liệu và hàng lưu kho. Dệt may là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhất, phần lớn là lao động phổ thông, không có khả năng chuyển đổi công việc trong tình hình hiện nay. Do đó, duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân không chỉ là bài toán sống còn của doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến xã hội.

“Nếu bây giờ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc thì hàng trăm nghìn con người sẽ đi đâu, làm gì. Và khi vượt qua được khủng hoảng, doanh nghiệp làm cách nào để tuyển được lao động là câu hỏi chưa ai trả lời được”, ông Việt lo lắng.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường chia sẻ, trước mắt không tăng giờ làm, cho người lao động nghỉ 2 ngày một tuần. Nếu khó khăn hơn nữa thì giảm số ngày làm việc, cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập, nhưng vẫn phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định. “Vinatex vẫn thống nhất ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động cho dù khó khăn đến thế nào đi chăng nữa để cố gắng vượt qua điểm đáy của thị trường, ông Trường cho biết.

“Hụt hẫng” dù đã lên “dây cót”

Bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex thì lại cảm thấy “hụt hẫng” khi khách hàng châu Âu đề nghị giữ hàng đó để xuất cho năm sau do dịch bệnh khó khăn. Ngày 18/3, lô vải mới nhập khẩu của Dacotex về Việt Nam, chuẩn bị cắt may xuất đi Đan Mạch cuối tháng này. Trước đó, công ty đã xuất khẩu được một đơn hàng áo jacket sang Pháp và dự tính sang tuần sẽ triển khai mạnh lô hàng mới.

“Đến bây giờ, hơn 700 công nhân tại 3 nhà xưởng của tập đoàn vẫn chưa cho nghỉ một người nào. Tuần này đã có thông báo quay trở lại làm việc cho các đơn hàng xuất đi EU kế tiếp, nhưng nay chịu rồi”, bà Cecile Phạm nói.

Một doanh nghiệp sản xuất hàng thời trang tại Q.Gò Vấp, TP.HCM bày tỏ, từ sau tết, không nhập được vải để làm đơn hàng xuất đi Đức. Chúng tôi “bắt mối” với Hội Dệt may Thái Lan, tìm đúng nguồn vải, chuyển mẫu qua đối tác duyệt, ký hợp đồng số lượng lớn. “Cả tuần lên “dây cót” tinh thần công nhân, làm cật lực để hy vọng đưa hàng lên tàu sớm vì lo ngại trục trặc hãng tàu mùa dịch. Thế nhưng công ty đa nhận được email báo tạm hoãn đơn hàng”, chủ doanh nghiệp nói.

Thực tế, vào thời điểm này, khi đối tác thông báo ngưng nhập hàng đồng nghĩa toàn bộ kho vải chuẩn bị may bán cho mùa hè năm nay phải chuyển sang năm sau. Khi đó chất liệu đã trở nên lỗi thời, 40% số vải hiện có sẽ phải bỏ hoặc bán cân ký. Thêm vào đó, việc dừng nhận hàng đột ngột ngay khi đưa ra thông báo đã khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, nhiều container hàng đang trên đường vận chuyển khi đến cảng biển của Mỹ và EU sẽ phải lưu kho, chờ đến khi đối tác nhận hàng.

Điều này khiến doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều chi phát sinh, còn dòng tiền bị “đóng băng”, không thể lưu chuyển. Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa đánh giá, bản thân công ty là DNNVV, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ đối tác, khách hàng ngưng nhập hàng hoặc hủy hợp đồng, nhưng chỉ nghe tình hình từ các doanh nghiệp lớn cũng cảm thấy như mình cũng đang ngồi trên “đống lửa”.