Ông Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc tư vấn các chương trình ESG, công ty KPMG Việt Nam và Campuchia đã cho biết như vậy khi trao đổi về vai trò và sự cần thiết của ESG trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Năm 2022, KPMG toàn cầu thực hiện nghiên cứu về Báo cáo phát triển bền vững gồm 5.800 báo cáo phát triển hàng đầu hiện nay trên thế giới. Mỗi quốc gia, KPMG lựa chọn 100 báo cáo phát triển bền vững của 100 doanh nghiệp hàng đầu dựa trên mức doanh thu. Năm 2022 cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia hoạt động nghiên cứu này.

anh-ong-Hieu

Ông Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc tư vấn các chương trình ESG, công ty KPMG Việt Nam và Campuchia

Qua việc thực hiện báo cáo, theo đánh giá của đại diện KPMG có rất nhiều sự phát triển trong hành trình báo cáo ESG tức là hành trình phát triển của doanh nghiệp. KPMG cũng khẳng định ESG không phải là một xu thế mà là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay. Việc thực hiện ESG là một hành trình lâu dài chứ không phải là hoạt động hay xu hướng ngắn hạn. Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, tất cả những yếu tố khi KPMG tiến hành nghiên cứu dựa trên 10 năm phát triển của hoạt động này.

Tại nghiên cứu này, KPMG nhận thấy rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là vấn đề về môi trường. Trên thế giới hiện nay, khi những cam kết của các Chính phủ đưa nền kinh tế chuyển về NetZero đã trở thành hiện thực thì cộng đồng doanh nghiệp đều đóng vai trò là trung tâm cốt lõi để chuyển đổi nền kinh tế.

“Các tiêu chí ESG đang được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đều có một chiến lược chuyển đổi rất rõ ràng. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng nhận thấy rằng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đưa ra những tiêu chí định hướng. Tuy nhiên, những tiêu chí này cũng chỉ là khởi đầu” – ông Nguyễn Chí Hiếu nói.

anh-2-Nestle

Nestle Việt Nam là một trong những doanh nghiệp sớm đưa ra những tiêu chí rõ ràng trong Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp

Cụ thể, một số doanh nghiệp đã có chiến lược phát triển bền vững, đưa ra định hướng khá cụ thể như đặt ra những tiêu chí rõ ràng trong Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp đến năm 2030 giảm 30% khí phát thải hoặc là trung hòa carbon. Ngoài ra, một số yếu tố khác liên quan đến vấn đề xã hội chẳng hạn, doanh nghiệp quan tâm đến việc nâng cao quyền tự do của con người, nâng cao các vấn đề liên quan đến sức khỏe và lợi ích của người lao động.

Về vấn đề quản trị, một số doanh nghiệp đưa ra những tiêu chí rõ ràng liên quan đến phòng, chống tham nhũng; các chỉ số liên quan được Chủ tịch và CEO quan tâm là vai trò phân quyền, trách nhiệm trong các báo cáo phát triển bền vững. Những yếu tố này làm cho doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn, rõ ràng hơn và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Một số doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận việc đo đếm phát thải của doanh nghiệp và có chiến lược giảm thải trong thời gian tiếp theo. Một số doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề không làm ảnh hưởng đến cộng đồng hay các vấn đề bảo mật dữ liệu của doanh nghiệp trong thương mại điện tử hiện nay.

Nói về xu hướng phát triển năm tới, ông Nguyễn Chí Hiếu nhận định: các doanh nghiệp bắt đầu tiệm cận những cái tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn, các tiêu chí cụ thể của ESG là Kinh tế, Xã hội và Môi trường đã được đưa vào trong chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp nhiều hơn. Đặc biệt là những tiêu chí gắn liền với các chương trình phát triển của Chính phủ Việt Nam hiện nay.

Hạnh Lê