Việt Nam, Trung Quốc là những nước thực thi cách ly quyết liệt. Nhưng ngược lại, Mỹ và Châu Âu có vẻ như “coi thường” dịch này. Để có thêm góc nhìn về sự khác biệt trong chính sách kiểm soát dịch của các nước, chúng tôi xin giới thiệu phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Siouxsie Wiles, đang làm việc tại Đại học Auckland, New Zealand. Bà chỉ ra rằng về cơ bản dịch sẽ có 3 giai đoạn: ủ dịch, đỉnh dịch và thoái trào.

Việt Nam ngăn chặn lây nhiễm bằng biện pháp kiểm dịch và cách ly những đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch.

Giai đoạn một – Ủ dịch

Ở giai đoạn đầu, khi số lượng mắc COVID-19 còn thấp, các nước sẽ tìm cách ngăn chặn lây nhiễm bằng các biện pháp kiểm dịch và cách ly những đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch. Giải pháp này nhằm kéo dài thời gian chuẩn bị đến giai đoạn hai. Nếu như có thể kéo dài một tới hai năm khi đã sản xuất thành công vắc xin và ứng dụng đại trà thì COVID-19 không còn là mối lo. Để làm việc này, nhiều nước chọn giải pháp đóng cửa biên giới, nội bất xuất ngoại bất nhập, ngăn chặn tối đa việc lây nhiễm của virus. Tuy nhiên, nếu việc này kéo dài đến khi không còn ai bị lây nhiễm hoặc có vắc xin thì cuộc sống của người dân và kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.

Có một cách khác đó là không hạn chế việc nhập cảnh nhưng sẽ có biện pháp cách li trong hai tuần và xét nghiệm cẩn thận trước khi được đi lại tự do. Đồng thời cùng với việc này là các cá nhân phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp như nói chuyện, bắt tay… Đây là cách mà một số nước Châu Âu như Đức hoặc ngay chính Việt Nam đang thực hiện thay vì đóng cửa biên giới. Cách làm này có thể khiến việc kiểm soát dịch ban đầu khó khăn do số lượng người nhiễm có thể tăng nhiều nhưng đây lại là cách tốt hơn để dịch bệnh không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống người dân và nền kinh tế.

Giai đoạn hai – bùng phát

Ở giai đoạn hai, tức là khi dịch bùng phát trên qui mô lớn, những người nhiễm bệnh không biết bản thân bị bệnh và lây lan khắp nơi. Khi đó càng ngày sẽ càng có nhiều ca nhiễm và tình hình sẽ trở nên khó kiểm soát và các cơ sở y tế cũng sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Để hạn chế số ca mắc trong thời điểm này, mọi người cần chung tay làm theo chỉ dẫn rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhau và tránh xa người khác khi bản thân đang bị ốm. Việc đi tới những nơi đông người cần tuyệt đối tránh. Mỗi người cần tự ý thức cách ly và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất nếu có biểu hiện của bệnh.

Giai đoạn ba – Không còn lan tràn

Giai đoạn thứ ba là khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoặc không còn lây tràn lan dễ dàng nữa.
Giai đoạn thứ 3 này xảy ra khi hoặc là đã tìm được vắc-xin, hoặc dịch đã lây cho số người đủ nhiều, những người còn lại không mẫn cảm với virus và ngăn được lây lan. Đây gọi là hình thành miễn dịch cộng đồng. Thông thường, mất khoảng 1 đến 2 năm mới có thể tìm ra được vắc-xin. Việc kiểm soát dịch trong khoảng thời gian này thực sự là một khó khăn.

2 quan điểm kiểm soát

Trong bài báo đăng trên The Spin Off của New Zealand, Tiến sĩ Siouxsie Wiles đưa một biểu đồ minh họa cho 2 quan điểm khác nhau về cách tiếp cận kiểm soát dịch COVID-19.

Quan điểm đầu tiên là cách được nhiều nước chọn là “biện pháp mạnh” để ép dịch xuống, bế quan tỏa cảng để giảm tối đa số ca mắc bệnh cùng sự kiểm tra y tế chặt chẽ. Việc này tuy hạn chế được số ca mắc nhưng để tới được giai đoạn 3 sẽ mất nhiều thời gian. Theo quan điểm này có thể là Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Có thể thấy Việt Nam đang thực hiện khá tốt việc “ép đỉnh dịch”.

Quan điểm thứ 2 là “thả rông” để đỉnh dịch lên cao nhanh. Việc này sẽ khiến virut lan nhanh nhưng đồng thời cũng khiến việc chống dịch tiến triển nhanh hơn tới giai đoạn 3. Có thể thấy Mỹ và Châu Âu đang nghiêng về phía tiếp cận này.

Nhìn chung các nước sẽ có cái nhìn khác nhau về việc kiểm soát dịch bệnh. Giải pháp nào giúp giảm thiểu thiệt hại về người, về kinh tế, phù hợp với cộng đồng của mình cũng đều là giải pháp đúng đắn. Đến nay dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới. Thời gian sẽ cho câu trả lời.