Theo dự kiến, từ ngày 10/9/2023, các đại lý ủy quyền của nhà mạng trên toàn quốc sẽ dừng bán sim di động.
Trước đó tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, các nhà mạng sẽ có những biện pháp cụ thể để xử lý triệt để tình trạng sim không chính chủ, sim rác. Một trong những biện pháp sẽ được triển khai là dừng việc phân phối sim qua các đại lý, cửa hàng sim thẻ.
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn sim mới kích hoạt đến từ các nhà mạng lớn đều đã kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sim chỉ được hoạt động nếu dữ liệu trùng khớp. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng, đại lý sim thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng tìm mua sim đã kích hoạt và dùng luôn. Điều này đến từ việc các đại lý thuê người đứng tên thuê bao, ‘lách luật’, sau đó bán ra thị trường.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, điều này dẫn đến tình trạng sim bán ra vẫn đầy đủ thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng không chính chủ, góp phần tạo ra vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác thời gian qua.
Trước thực trạng trên, thời gian qua Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng và yêu cầu chấn chỉnh. Theo đó, tất cả các nhà mạng cam kết với Bộ sẽ dừng các đại lý phát triển SIM như vậy kể từ ngày 10/9 tới, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, các nhà mạng đã tự rà soát, đánh giá, thấy được trách nhiệm của mình và cũng thấy được việc không thể kiểm soát hoạt động của các đại lý. Các nhà mạng đã nhất trí và báo cáo với Bộ sẽ xem xét dừng kênh đại lý phát triển thuê bao rác ra thị trường. Thay vì sử dụng kênh đại lý, các nhà mạng sẽ tập trung vào việc phát triển các kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi có uy tín. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc những kênh nào đảm bảo giám sát, kiểm soát được mới phát triển thuê bao.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, chỉ có phát triển thuê bao một cách chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ra thị trường. “Bộ TT&TT sẽ xử lý rất nghiêm theo Nghị định 14/2022, nếu phát hiện sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3-12 tháng tuỳ theo mức độ vi phạm của các nhà mạng”, ông Long nhấn mạnh.
Trong đợt rà soát vừa qua, tính đến ngày 31/8, các nhà mạng đã rà soát có khoảng 8,6 triệu thuê bao là trường hợp đứng tên trên 10 sim. Trong đó, đã có 3,6 triệu thuê bao đến cam kết, chuẩn hóa lại thông tin; số còn lại khoảng trên 5 triệu sim đã bị khóa 1 chiều, 2 chiều và thu hồi.
Liên quan đến chuẩn hoá thông tin thuê bao, trước đó, Bộ TT&TT đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại nhiều tỉnh thành, địa phương. Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao.
Đối tượng thanh tra là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều SIM thuê bao, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng trái phép thông tin của tổ chức/cá nhân hoặc sử dụng thông tin của mình để đăng ký, kích hoạt trước nhiều SIM, lưu thông ra thị trường. Trong đó, bao gồm cả các điểm cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp viễn thông thiết lập.
Mục đích của đợt thanh tra diện rộng nhằm xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao, cố tình đăng ký nhiều SIM để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng. Đặc biệt, đợt thanh tra còn làm rõ những trường hợp sử dụng SIM đăng ký thông tin của người khác. Các SIM vi phạm quy định pháp luật về quản lý thông tin thuê bao sẽ bị áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động.
Qua đợt thanh tra, các sở TT&TT đã nắm rõ danh sách các đại lý nhập SIM, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn, nhất là các đại lý nhập SIM số lượng lớn, điểm đăng ký số lượng lớn SIM nhằm ngăn chặn tình trạng SIM được kích hoạt số lượng lớn, đẩy ra thị trường.
Tú Linh