Tổ công tác đặc biệt miền Nam của Bộ Công Thương đánh giá cao mô hình đưa tiểu thương và chợ dân sinh lên sàn TMĐT do Viettel Post đề xuất, trong buổi họp trực tuyến diễn ra gần đây.

CH.-DAN-SINH-TR.C-TUYEN-2

Các tiểu thương trong chợ dân sinh sẽ được Viettel Post và sàn TMĐT Vỏ Sò hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn.

Thực tế, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc các chợ dân sinh phải đóng cửa theo các chỉ thị giãn cách của Chính phủ khiến các tiểu thương bị tồn nghẽn nông sản, không thể tìm thấy đầu ra.

Nguồn cung mới cho dịch vụ “đi chợ hộ”

Đồng thời cũng tạo thêm áp lực tiêu thụ hàng hóa cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa của người dân cả nước nói chung và người dân các tỉnh thành miền Nam nói riêng không giảm.

Đại diện Viettel Post khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi chính các tiểu thương cũng là đối tượng bị ảnh hưởng khi các chợ dân sinh đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Khi mô hình này được triển khai, Viettel Post và sàn Vỏ Sò có thể tiếp cận đến người bán hàng tại các chợ dân sinh, đưa những sản phẩm chất lượng lên sàn TMĐT. Mô hình này vừa giúp đảm bảo đầu ra cho các tiểu thương, vừa tạo ra một nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới để Viettel Post cung ứng cho người dân cả nước.

Theo đó, các tiểu thương trong chợ dân sinh sẽ được Viettel Post và sàn TMĐT Vỏ Sò hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn, quảng bá sản phẩm tới cả những khách hàng quen lẫn khách hàng tiềm năng.

Với kênh bán hàng mới này, bà con tiểu thương có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng của sàn TMĐT Vỏ Sò. Ngay cả trong trường hợp các chợ dân sinh không được hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì các tiểu thương vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường, giúp đảm bảo an sinh cuộc sống.

Hiện nay, Sở Công Thương 18 tỉnh, thành phía Nam đã chuyển danh sách các tiểu thương, nhà cung cấp trên địa bàn đến Viettel Post để đơn vị này liên hệ tiếp xúc, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.

Như vậy, việc các tiểu thương được đưa lên sàn TMĐT sẽ biến đây trở thành các “chợ dân sinh trực tuyến”, một nguồn cung mới cho dịch vụ “đi chợ hộ” mà Viettel Post đang triển khai trên toàn quốc.

Thông tin về kế hoạch cung ứng thực phẩm cũng như các gói an sinh mà Viettel Post đang phối hợp cùng Tổ công tác đặc biệt triển khai, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Post cho biết, hiện Viettel Post đang việc thu mua tất cả sản phẩm lương thực thiết yếu để cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bị ảnh hưởng COVID-19.

Để thực hiện, thông qua Tổ công tác đặc biệt, Viettel Post mong được kết nối với Sở Công Thương các địa phương nhằm biết giá, sản lượng, số lượng nông sản của các tỉnh; đồng thời mong Sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ giới thiệu hàng hóa, bán hàng nội tỉnh, liên tỉnh.

Ngoài ra, theo bà Linh, Viettel Post cũng đề nghị các Sở Công Thương cung cấp danh sách các chợ dân sinh và danh sách của tiểu thương trong chợ để khoanh vùng, từ đó hỗ trợ đưa bà con tiểu thương của chợ lên sàn Vỏ Sò kinh doanh, tránh trường hợp khi đóng của chợ dân sinh thì không có đầu mối chợ dân sinh để tiếp cận đến người dân.

Ổn định đầu ra

Theo ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, hiện nay Vĩnh Long đang cần tiêu thụ 27.000 tấn khoai lang tím, ngoài ra tỉnh có nhiều nông sản khác nên sẽ tham gia cung cấp các sản phẩm đầu vào cho túi an sinh Viettel Post đang thực hiện để hỗ trợ người nông dân. Về giá cả, sản lượng, tỉnh sẽ tiếp tục cập nhật cho sàn Vỏ Sò.

CH.-DAN-SINH-TR.C-TUYEN-1

Với kênh bán hàng mới này, bà con tiểu thương có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng.

Tuy nhiên, do tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16, hoạt động triển khai thu mua không thuận lợi xe lưu thông khó khăn, nông dân ra đồng ít, các tỉnh thành từ 18 giờ ngừng cho phương tiện ra đường nên cũng hạn chế hoạt động thu mua nông sản…

“Nếu tháo gỡ những khó khăn này thì việc thu mua thuận lợi hơn để kịp thời cung ứng cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương”, ông Kiên kiến nghị.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, thơi gian qua các ngành, địa phương đã tập trung giới thiệu, kết nối nông sản Đồng Tháp với các nhà phân phối, các đơn vị thu mua, như Big C, Saigon Co.op, AEON Citimart, Lotte, Vincommer, Viettel Post, Postmart… Nhưng vẫn còn một số loại nông sản đang có sản lượng thu hoạch rất lớn tiêu thụ chậm.

Đơn cử, tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò đang vào mùa thu hoạch khoai môn, nhưng do khu vực đang phong tỏa nên khó khăn tìm đầu ra… Do đó Đồng Tháp hy vọng việc đưa nông sản lên sàn Vỏ Sò sẽ giúp nông dân tỉnh có đầu ra ổn định.

Các tỉnh, thành khác như Cần Thơ, Sóc Trăng… cũng cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin sản lượng, giá cả và đầu mối cho Viettel Post để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản đến mùa vụ thu hoạch.

Đại diện Tổ công tác đặc biệt cho biết, Tổ công tác muốn giới thiệu đầu mối hàng hóa cho gói an sinh mà Viettel Post đang thực hiện. Tuy nhiên, Viettel Post cần dự trù được khối lượng mua để gửi cho các tỉnh, thành nắm được và lên kế hoạch cung ứng.

“Để kết nối cho hợp lý, Viettel Post cần đưa những hạng mục gửi xuống cho các tỉnh; đồng thời Sở Công Thương các tỉnh cũng đưa nhưng gì mình có cho Viettel Post để 2 bên dễ dàng phối hợp thực hiện”, đại diện Tổ công tác nhấn mạnh.

Đối với khó khăn về xe lạnh của Long An, Tổ công tác sẽ liên hệ Hiệp hội vận tải hỗ trợ. Về khâu vận chuyển, các chỉ cần bỏ hàng vào container lạnh để đưa hàng lên biên giới, Hiệp hội doanh nghiệp logistics, Bộ Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong vấn đề này.

Vẫn theo Tổ công tác đặc biệt, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Tổ công tác cũng lưu ý, các doanh nghiệp nên xuất khẩu qua kênh chính ngạch, tránh đi tiểu ngạch.

Nguyễn Việt