Nên chăng thành lập tổ chức tư vấn chuyên nghiệp kết nối tham gia “sân chơi” thế giới, trong đó có EVFTA.
Thời điểm cuối năm 2021, cận tết Nguyên đán Nhâm Dần, hơn 5.000 container chở hàng hóa nông sản ùn ứ tại các khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh chờ sang Trung Quốc. Cơ quan chức năng đã vào cuộc hỗ trợ, làm việc với đối tác bên kia bên giới để giải phóng bớt lượng hàng.
Cần lắm giải pháp lâu dài, cung ứng trên nhiều thị trường quốc tế, đảm bảo quy trình vận chuyển, đi theo đường chính ngạch cho xuất khẩu.
Dịch bệnh ảnh hưởng toàn thế giới, mọi ngõ ngách đời sống, những khó khăn rồi cũng sẽ qua. Nhưng trong thời kỳ hội nhập, nước ta tham gia sân chơi toàn cầu, bên cạnh cơ hội là vô vàn thử thách đặt ra. Bên cạnh trách nhiệm các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm đối tác cho mình để mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển thì chính quyền nên có định hướng hỗ trợ thiết thực đưa doanh nghiệp thoát khỏi “ao làng” để thâm nhập thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp trong nước đủ tiềm lực vươn ra thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn còn lại có quy mô nhỏ chưa có khả năng hội nhập sâu rộng.
Nước ta những năm qua đạt thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Song, so sánh tăng trưởng kinh tế với các nước phát triển vẫn còn kém hơn. Nếu tháo gỡ rào cản và đưa doanh nghiệp ra sân chơi thế giới sẽ tạo thêm cơ hội, động lực cạnh tranh, nâng tầm quốc tế.
Doanh nghiệp nếu chỉ hoạt động trong nước cũng giống như chạy lưu thông trên con đường làng, có thể dễ dàng lấn tuyến, ép trái, ép phải, luồn lách. Nhưng đó lại là rào cản cho đầu tư mở rộng sản xuất, thương mại với ước vọng tạo lập thương hiệu. Bởi một khi doanh nghiệp vươn ra sân chơi thế giới nếu lớn mạnh sẽ kéo theo nhiều mối quan hệ khác trong hợp tác, xuất khẩu hàng hóa, thu hút nguồn lực. Tham gia sân chơi thế giới thành công, đặc biệt với thời kỳ kỹ thuật số, nền công nghiệp 4.0, muốn cạnh tranh và phát triển thì phải biết phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, có thương hiệu chất lượng.
Nước ta đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế như WTO, FTA, AEC, RCEP, CPTPP… Mới đây nhất là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị trong tiến trình hội nhập. Đây được cho là cơ hội vàng cho nền kinh tế, môi trường hợp tác này mở ra với nhiều đối tác, thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hóa, triển vọng thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường rộng lớn này, nhất là một khi được xóa bỏ tới gần 100% thuế quan theo nội dung cam kết trong EVFTA.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thử thách cũng không hề nhỏ. EVFTA là một liên minh gồm 28 quốc gia ở khu vực châu Âu với thị trường rất khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn giá trị cùng với chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng. Doanh nghiệp phải hiểu luật, có kỹ năng nhằm tránh các bất lợi.
Không phải vô lý mà chính quyền các nước phát triển luôn lưu ý doanh nghiệp tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin liên quan, chính sách pháp lý tại các thị trường mới. Những công việc này ban đầu có thể chưa mang đến lợi nhuận gì, thậm chí mất còn công sức và tốn kém để thực hiện. Dù vậy, lợi ích rất lớn về sau, một khi đã tham gia rồi thì hầu như ít bị trục trặc trong các hoạt động.
Tôi biết có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường quốc tế để xuất khẩu hàng hóa, nông sản nhưng chưa hiểu rõ các quy định, thủ tục thực hiện, nội dung hoạt động, phương thức hợp tác, cơ hội phát triển. Đến nay, ngoài nhận xét từ một số chuyên gia và những thông tin trên báo chí thì chưa có nghiên cứu chính thức nào đánh giá một cách cụ thể và toàn diện mức độ ảnh hưởng cũng như ứng phó từ chính quyền và doanh nghiệp khi tham gia EVFTA.
Tham gia sân chơi quốc tế, vượt qua thử thách, tận dụng được cơ hội hay không đòi hỏi ở sự chuẩn bị và kịp thời bắt nhịp với cuộc chơi đỉnh cao này không chỉ người nông dân, doanh nghiệp mà quốc gia được hưởng lợi, kinh tế phát triển lên trình độ cao hơn. Cần có vai trò cơ quan quản lý nhà nước dẫn dắt, cộng đồng doanh nghiệp có kế hoạch phù hợp để hội nhập quốc tế.
Chính quyền với tầm nhìn dẫn dắt hướng tới phát triển theo chiều sâu mang tính lâu dài, đưa ra công cụ quản lý và hỗ trợ về mặt thể chế. Tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, thủ tục hành chính. Chẳng hạn trong xuất khẩu hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc có kịch bản phối hợp giữa Công Thương, Ngoại giao cùng Tổng cục Hải quan với chính quyền các tỉnh biên giới và cơ quan liên quan kịp tháo gỡ khó khăn, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía bên kia biên giới để không bị ùn ứ cũng như ngược lại hàng hóa từ phía đối tác cũng thuận lợi nhập khẩu.
Nên chăng thành lập tổ chức tư vấn chuyên nghiệp kết nối tham gia “sân chơi” thế giới, trong đó có EVFTA. Như cung cấp các dịch vụ đào tạo, tìm kiếm và đánh giá thị trường, trợ giúp pháp lý, cảnh báo sớm các tình huống bất lợi, theo dõi và đưa ra biện pháp khắc phục những thiếu sót nếu có… Hỗ trợ doanh nghiệp làm quen dần môi trường mới cùng với luật chơi mới, hợp tác và phát triển thương mại với các doanh nghiệp trong liên minh, áp dụng các thông lệ phù hợp quy tắc ứng xử. Nếu chưa đủ hãy mời những nhà tư vấn hàng đầu thế giới đến giúp hoạch định chiến lược, hỗ trợ thực tập các kỹ năng thiết yếu, trang bị toàn bộ quy trình an toàn sẵn sàn cho hội nhập. Lúc đó, có nhiều thị trường quốc tế để xuất khẩu.
Tất nhiên nhận biết chỗ mạnh, yếu, thương hiệu, chất lượng sản phẩm cạnh tranh, cơ hội và thử thách, sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với hàng hóa, nông sản để đưa ra kế hoạch và cách làm phù hợp thì không ai có thể làm thay doanh nghiệp.
Trần Văn Trãi – Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Trung Đông Hưng