Sau tín hiệu mừng khi Quốc hội thông qua các đề xuất nới chính sách thị thực, Du lịch Việt tiếp tục đón nhận tin vui từ kết quả tổng kết gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm.
Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 5.574.969 lượt khách. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Malaisia, Nhật, Singapo, Campuchia, Thái Lan, Úc.
Các thị trường có lượng khách tăng so với tháng 5-2023 là: Mỹ (tăng 52%), Na Uy (tăng 51%), Singapo (tăng 48%), Lào (tăng 25%), Đài Loan (tăng 21%), Hàn Quốc (tăng 15%), Philippin (tăng 10%).
Các thị trường có lượng khách giảm so với tháng 05/2023 là: Pháp (giảm 41%), Hồng Kông (giảm 37%), Bỉ (giảm 33%), Ý (giảm 31%), Canada (giảm 31%), Thụy Sĩ (giảm 28%), Hà Lan (giảm 27%), Indonesia (giảm 25%), Đan Mạch (giảm 22%).
Cũng theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tượng khách du lịch nội địa tháng 6-2023 ước đạt 13,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 9 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm đạt khoảng 64 triệu lượt khách.
Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 343,1 ngàn tỉ đồng.
Ngày 24-6, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua. Thời hạn visa đã được kéo dài từ 30 lên 90 ngày. Thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày.
Việc nới gia hạn thị thực, tăng thời gian lưu trú của du khách là bước chuyển đổi rất lớn thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương đột phá du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Các công ty lữ hành kỳ vọng chính sách visa thông thoáng hơn sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển. Trong đó, ông Phạm Hà, CEO Lux Group chia sẻ, khách hàng của chúng tôi phần lớn là khách trung và cao cấp, đi lâu, ở dài nên đây là cú hích tốt. Chúng tôi kỳ vọng tăng ít nhất 30% doanh thu trong mùa du lịch tới, cao điểm là từ tháng 9.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định, để thu hút khách quốc tế có rất nhiều yếu tố nhưng chính sách visa là một phần quan trọng tạo nên sức hút điểm đến.
“Việc sửa đổi lần này là hoàn toàn phù hợp với xu thế cạnh tranh. Việt Nam nên tận dụng thời cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng các đường bay thẳng để tạo thuận lợi trong việc đón khách quốc tế, xúc tiến du lịch hiệu quả đến những thị trường mục tiêu.” – Ông Long chia sẻ.
Mặt khác, ông Phạm Hà cho rằng ngoài việc nới lỏng chính sách visa của Việt Nam, cũng cần cải thiện hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia và tạo mới thông điệp rõ ràng cho từng thị trường mục tiêu và từng phân khúc. Điều này đòi hỏi sự chuyên môn và chuyên nghiệp, với các đội ngũ chuyên trách và năng lực giao tiếp trong ngôn ngữ của khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, ông Hà cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ coi trọng ngành du lịch hơn và sớm có Bộ Du lịch, xúc tiến hiệu quả với quỹ du lịch và chiến lược xúc tiến cần trọng tâm, trọng điểm, có đo lường.
Các chuyên gia du lịch cũng nhận định, chính sách visa đã được mở, đây là cú hích rất mạnh đối với ngành du lịch khi mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm sắp đến. Mục tiêu đón 8 triệu khách trong năm nay hoàn toàn có khả năng vượt nhờ vào động lực tăng trưởng ở mùa cao điểm khách quốc tế và những chính sách thuận lợi mới được thông qua. Tin tưởng rằng, Du lịch Việt Nam giai đoạn tới chắc chắn sẽ nhảy vọt rất nhanh.
Minh Châu