Theo báo cáo trên, đến năm 2024, nhu cầu du lịch nước ngoài sẽ chưa thể phục hồi về mức bình thường của năm 2019, phản ánh những tác động kinh tế của đại dịch và tâm lý tiêu cực kéo dài đối với ngành du lịch quốc tế, bao gồm cả du lịch giải trí và du lịch vì công việc.

Với mức giảm 57%, tương đương 847 triệu lượt khách, báo cáo cho rằng tất cả các khu vực trên thế giới đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh, trong đó các điểm đến ở Bắc Mỹ được dự báo giảm mạnh nhất (với 70%), tiếp đến là khu vực châu Á – Thái Bình Dương (57%). Trong châu Á – Thái Bình Dương, Đông Bắc Á sẽ đứng đầu bảng về thiệt hại, vì sẽ giảm tới 61%.

Việc mở lại đường bay quốc tế được cho là giải pháp cấp bách không chỉ riêng ở Việt Nam nhằm “giải cứu” ngành hàng không đang ngày càng kiệt quệ vì đại dịch COVID-19.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu Oxford Economics Ltd. còn cho thấy 10 thành phố có tỷ lệ giảm lượng khách du lịch nhiều nhất nhiều khả năng đều nằm ở Mỹ, trong đó New York có thể sẽ chứng kiến mức giảm tới 79%.

Oxford Economics Ltd. cho rằng mặc dù nhiều nước đã bắt đầu cho mở cửa lại biên giới quốc gia nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch với phục hồi ngành du lịch. Công ty này nhận định nhu cầu du lịch trong nước sẽ phục hồi nhanh hơn so với nhu cầu du lịch quốc tế và sẽ trở lại mức của năm 2019 vào năm 2022.

Ở các nước, trong đó có Việt Nam, việc mở lại đường bay quốc tế được cho là giải pháp cấp bách nhằm “giải cứu” ngành hàng không đang ngày càng kiệt quệ vì đại dịch COVID-19. Đây cũng được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên nếu muốn vực dậy nền kinh tế vốn đang trong tình trạng ngủ đông kéo dài.

Theo báo cáo tài chính của các hãng hàng không, mặc dù ngành hàng không đã áp dụng nhiều biện pháp tình thế như cắt giảm chi phí, giảm lương nhân viên song các hãng hàng không nội địa vẫn rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền. Vietnam Airlines dự tính doanh thu cả năm 2020 giảm một nửa, còn 50.000 tỉ đồng và lỗ khoảng 13.000 tỉ đồng. Vietjet Air đạt doanh thu quý II/2020 khoảng 1.970 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kì năm trước và ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1.122 tỉ đồng.

Mặc dù ngành hàng không đã áp dụng nhiều biện pháp tình thế như cắt giảm chi phí, giảm lương nhân viên song các hãng hàng không nội địa vẫn rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền.

Bàn về việc có nên mở lại đường bay quốc tế hay không, với góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho biết ông luôn ủng hộ việc mở lại đường bay quốc tế và việc này cần được thực hiện sớm.

Nếu chậm mở lại đường hàng không, trước hết, ngành hàng không sẽ chịu thiệt thòi rất lớn, sau đó là dẫn tới nguy cơ nền kinh tế thực sự đứt gãy. Theo ông Doanh, trong kịch bản đó, chúng ta sẽ phải trả giá khá đắt, không chỉ xét về những thua lỗ của riêng ngành hàng không, mà cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần từng bước mở đường bay đến một số nước đã kiểm soát được dịch rồi sau đó nhân rộng. Hành khách nhập cảnh cần có chứng chỉ kiểm dịch trong bao nhiêu ngày và được xét nghiệm y tế. Nếu năng lực của các cơ sở cách ly đủ đáp ứng, có thể yêu cầu khách cách ly tập trung.

“Chúng ta không thể đóng cửa mãi được”, ông Dũng nói và cho rằng, việc kiểm dịch cần áp dụng trong bối cảnh bình thường mới để nền kinh tế vận hành, các doanh nghiệp dần phục hồi.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế xem xét, giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lí các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách li y tế phù hợp và các hướng dẫn khác đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn.

Giai đoạn đầu từ ngày 15/9, Việt Nam sẽ mở bốn đường bay quốc tế thường lệ giữa TP.HCM, Hà Nội đi Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Cuối tháng 9 sẽ mở tiếp hai đường bay thường lệ đến Campuchia, Lào. Như vậy sẽ có sáu đường bay thương mại quốc tế được khôi phục sau thời gian dài tạm ngưng khai thác. Trong đó, các hãng bay của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác sẽ chia đôi số chuyến bay.

Trong giai đoạn đầu, việc mở cửa bầu trời chưa áp dụng với khách du lịch, hành khách được ưu tiên là nhà ngoại giao, nhân viên công vụ, công dân Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu về nước. Bên cạnh đó sẽ ưu tiên người Việt đi xuất khẩu lao động, chuyên gia nước ngoài trình độ cao sang Việt Nam. Ba sân bay quốc tế do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khai thác là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ sẽ tiếp nhận khách nhập cảnh. Dự kiến mỗi tháng có khoảng 20.000 khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Linh Nga