Miền Tây Nghệ An giàu tiềm năng và thế mạnh để phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, du lịch miền Tây xứ Nghệ vẫn chưa phát triển tương xứng với các thế mạnh vốn có của nơi này.
Tiềm năng đa dạng
Miền Tây Nghệ An gồm 10 huyện, với diện tích tự nhiên là 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích đất toàn tỉnh. Nơi đây, sở hữu Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Pù Huống và Pù Hoạt, được UESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vùng này có hệ động thực vật thiên nhiên phong phú, vẫn còn giữ được những vẻ nguyên sinh và hoang sơ, đồng thời có nhiều thác nước, hang động, suối nước nóng… Tất cả điều kiện tự nhiên và con người nơi đây, rất thuận cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Được biết, doanh thu từ các dịch vụ du lịch của các huyện miền Tây Nghệ An năm 2015 đạt hơn 75 tỷ đồng, năm 2016 đạt hơn 103 tỷ đồng, tới năm 2019 đạt hơn 165 tỷ đồng. Số lượng khách du lịch năm 2015 có khoảng hơn 322.000 lượt, năm 2019 tăng lên 535.000 lượt khách.
Tuy nhiên nhìn chung, lượt khách ghé thăm miền Tây Nghệ An vẫn còn hạn chế, lượng khách tăng với tốc độ tương đối chậm và chưa đồng đều. Mặc dù doanh thu từ du lịch có chuyển biến tích cực và tăng theo các năm, nhưng con số đó còn quá chậm và chưa tương xứng với nguồn tài nguyên, đặc biệt lượng khách quốc tế tới đây còn hạn chế.
Vừa thiếu lại vừa yếu
Tiềm năng, lợi thế là vậy, nhưng thực trạng du lịch nơi đây vẫn chưa có nhiều điểm sáng thực sự. Nguồn khách tới các địa điểm du lịch ở đây chủ yếu là khách trong nước chiếm 95,89% (năm 2019). Chứng tỏ công tác quảng bá hình ảnh du lịch địa phương vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu quy mô trong tỉnh, các du khách ngoại tỉnh, khách quốc tế còn ít được biết tới vùng đất này.
Năm 2019, tại các huyện miền Tây Nghệ An có tổng 143 cơ sở lưu trú, 1.899 phòng và 3.052 giường. Trong đó, có khách sạn Mường Thanh Con Cuông đạt chất lượng 4 sao, còn lại phần lớn là hộ kinh doanh cá thể. Nhìn chung, chất lượng các cơ sở lưu trú vẫn còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng như: đường sá, phương tiện giao thông, hệ thống điện nước còn thiếu, phân tán dẫn tới hạ tầng kĩ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của khách.
Miền Tây Nghệ An cũng là vùng có nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, đến năm 2019, đội ngũ công nhân viên phục vụ du lịch tại các huyện miền Tây Nghệ An có khoảng 600 người, chủ yếu là làm ở các nhà nghỉ, cơ quan, nhà hàng. Chất lượng nguồn nhân lực lao động trực tiếp trong ngành du lịch hầu hết chưa được qua đào tạo về nghiệp vụ. Do vậy, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu. Hầu hết là lao động phổ thông chưa có thói quen và tác phong nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.
Chị Phạm Thị Hương là du khách đến từ Hà Nội nhận xét: “Cơ sở vật chất, như: đường sá, cơ sở lưu trú còn thiếu, chất lượng chưa cao. Homestay ở miền Tây Nghệ An mới phát triển nên phục vụ thiếu chuyên nghiệp và manh mún. Các hộ gia đình tham gia vào phục vụ Homesay chủ yếu riêng biệt, họ không liên kết hộ, mạnh nhà nào nhà nấy làm”.
Nhiều người còn cho rằng, thực tế cho thấy, tại không ít địa phương ở miền Tây Nghệ An, các thành viên tham gia hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng và cán bộ liên quan vẫn còn đang rất bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức, vận hành dịch vụ tại các điểm du lịch. Thậm chí, có những sai sót để lại hậu quả đáng tiếc như: gây mất lòng tin của khách, xảy ra xung đột lợi ích.v.v..
Chưa định hình được lối đi?
Vấn đề hiện nay đang đặt ra cho các cấp chính quyền là làm thế nào người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập để xóa đói và giảm nghèo. Vì vậy, du lịch là một hoạt động tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển bền vững cho cộng đồng dân tộc miền Tây Nghệ An.
Bà Vi Thị Thắm, Chủ tịch Trung tâm điều phối du lịch miền Tây Nghệ An TNT – Tây Nghệ Tourist cho biết: “Cần có sự thống nhất quy hoạch lựa chọn địa phương trọng tâm của miền Tây Nghệ An phát triển du lịch, tránh sự dàn trải, trùng lặp và không có điểm nhấn. Các huyện được lựa chọn phát triển du lịch cần bàn bạc, nghiên cứu và thống nhất loại hình, sản phẩm du lịch của huyện mình dựa trên văn hoá, bản sắc của từng địa phương để tránh trùng lặp, bắt chước sản phẩm của nhau, tạo sự nhàm chán cho du khách”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, ngành Du lịch Nghệ An đã đề nghị các địa phương quan tâm đến công tác đầu tư, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, nhằm tạo nên sự đa dạng, tránh sự nhàm chán. Đặc biệt cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong đón tiếp, phục vụ du khách, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, mến khách của du lịch cộng đồng Nghệ An đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Cao Sơn – Ngọc Thái