dlstnn

Phát triển các trang trại nông nghiệp sinh thái gắn với hoạt động du lịch là một xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của người dân. 

Hà Nội có diện tích canh tác nông nghiệp khá lớn. Trong khi đó, do lượng dân cư đô thị ngày một đông, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khá cao. Nắm được xu thế này, hàng loạt trang trại nông nghiệp sinh thái đã ra đời phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân.

Trên địa bàn thành phố có hàng chục mô hình, với cách thức hoạt động phong phú. Nổi bật nhất là mô hình có sự kết hợp nông nghiệp  -du lịch – giáo dục học đường, với 11 đơn vị đang hoạt động. Các khu du lịch như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì)… từ lâu đã là điểm đến cho du lịch học đường. Các đơn vị khác chủ yếu hoạt động theo phương thức làm nông nghiệp kết hợp tham quan và dịch vụ.

Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, hiện cũng chuyển mình với nhiều trang trại du lịch sinh thái. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, khi phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, tạo ra các không gian, vườn hoa, vườn cây và dịch vụ đi kèm thì nguồn thu chính không phải từ nông sản mà là từ dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, hầu hết các trang trại nông nghiệp sinh thái đều đang phát triển du lịch một cách tự phát, gặp khó khăn về nhân lực và chất lượng dịch vụ chưa cao. Dù đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên, so với nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của người dân trên địa bàn thành phố, số lượng các trang trại nông nghiệp du lịch sinh thái vẫn còn quá ít.

1651828558119

Khi phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, tạo ra các không gian, vườn hoa, vườn cây và dịch vụ đi kèm thì nguồn thu chính không phải từ nông sản mà là từ dịch vụ du lịch.

Ông Mai Văn Tám, chủ một trang trại nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) cho biết: “Các trang trại gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, hành lang pháp lý, nhưng rào cản lớn nhất là nhân lực trong phát triển du lịch. Từ một nông dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi cả một chặng đường dài”.

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia về du lịch nông thôn nhận định, để phát triển bền vững, đòi hỏi các làng quê phải phân chia rõ được các không gian (không gian dân cư, không gian sinh thái, không gian cộng đồng…) cùng sự đồng thuận của người dân địa phương, bảo đảm khi du khách đến với mỗi miền quê là một sự trở về nhà, được chào đón, trải nghiệm trong sự thân thiện, mến khách…

Theo Tiến sĩ Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các địa phương cần lưu ý phải hoàn thành và tuân thủ quy hoạch nông thôn; không để các quy hoạch khác làm phá vỡ không gian sinh thái nông thôn, ảnh hưởng tới các mô hình đang phát triển hiệu quả.

Hạn chế lớn nhất hiện nay của các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch chính là sự thiếu chuyên nghiệp trong các khâu phục vụ du khách. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, Sở đang đẩy mạnh công tác hỗ trợ các công ty lữ hành đưa khách về các mô hình du lịch sinh thái ven đô. Năm 2022, Sở đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn về xây dựng sản phẩm du lịch cho mô hình điểm tại các huyện, thị xã dưới dạng “cầm tay chỉ việc” với nông dân, cán bộ cơ sở; gắn đào tạo với tham quan, học tập các mô hình điểm. Sở cũng đẩy mạnh truyền thông hỗ trợ các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhận định, giai đoạn 2022-2025, thành phố tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề… theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Linh Nga