Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024 (từ 30/12/2023 đến 1/1/2024), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt gần 50%, một số trung tâm du lịch lớn ghi nhận công suất vào khoảng 70%.

Nhìn chung, lượng khách và tổng thu từ du lịch tại các địa phương trên cả nước đều cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá. Hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp.

Đa số địa bàn du lịch trọng điểm đã đón lượng khách và doanh thu du lịch tăng cao trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024. Trong đó, TP.HCM đón và phục vụ 1,65 triệu lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 87%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.400 tỷ đồng. Khánh Hòa đón và phục vụ 465.900 lượt khách; công suất phòng bình quân khoảng 73%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 498 tỷ đồng. Hà Nội đón và phục vụ 402.000 lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt 60%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Nhìn chung, lượng khách và tổng thu từ du lịch tại các địa phương trên cả nước đều cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Ninh Bình đón và phục vụ 312.900 lượt khách, doanh thu đạt 420 tỷ đồng; công suất phòng bình quân dịp này tại Ninh Bình đạt trên 70%, nhiều cơ sở lưu trú đạt 100%. Bà Rịa – Vũng Tàu đón và phục vụ 209.000 lượt khách; công suất phòng khoảng 80%; doanh thu đạt khoảng 170,5 tỷ đồng. Lào Cai đón và phục vụ 155.600 lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 467 tỷ đồng. Kiên Giang đón và phục vụ 120.700 lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 63%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 369 tỷ đồng.

Trong kỳ nghỉ năm nay, nhiều người chọn đi du lịch nước ngoài khiến thị phần du lịch trong nước đã bị chia sẻ. Lượng tour khởi hành và điểm đến khá đa dạng như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản,… Các tuyến Đông Nam Á phổ biến như Thái Lan, Singapore – Malaysia,… chiếm ưu thế về giá và được du khách Việt quan tâm lựa chọn. Đặc biệt, hình thức du lịch đường bộ ngắn ngày qua các cửa khẩu, khu vực giáp biên giới được lựa chọn nhiều.

Chia sẻ về những thành tựu gặt hái được của du lịch Việt Nam 2023, ông Phạm Hà – CEO Lux Group nhận định, đây là kết quả khá tích cực trong bức tranh phục hồi chung của nền kinh tế khi đạt 70% lượng khách quốc tế so với năm 2019, ngay trước dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Phạm Hà cũng cho rằng, mặc dù chính sách visa thông thoáng hơn đã kích thích du khách tới với Việt Nam, chúng ta vẫn cần có nhiều chính sách đột phá hơn với công tác xúc tiến, định vị thương hiệu du lịch nước nhà.

“Trong năm tới, du lịch Việt Nam hồi phục đến đâu, phát triển đến mức nào hiện vẫn khó nhận thấy. Ta vẫn thiếu một mục tiêu tham vọng và chiến lược đủ hiệu quả để du lịch đột phá. Trong khi đó, từ quý III hay quý IV/2023, nhiều nước đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho năm mới. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, nền văn hóa và di sản đồ sộ, ẩm thực phong phú. Việt Nam đang có danh tiếng và “nguồn vốn” rất lớn để có thể tăng tốc phát triển du lịch với đa dạng loại hình.” – CEO Lux Group chia sẻ.

Cùng với đó, ông Hà cũng mong muốn, nguồn ngân sách dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch cần mạnh mẽ hơn nữa. Các doanh nghiệp cùng địa phương cần đẩy mạnh phối hợp để thực sự tạo ra những sản phẩm du lịch “chạm” tới du khách và lan toả rộng lớn tới bạn bè quốc tế.