Theo dự kiến, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong cả năm 2021 sẽ đạt 37,92 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 10 tháng qua của Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%. Xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm vải địa kỹ thuật (vải làm đường, làm lốp xe) vào các thị trường Canada, Mỹ và Ấn Độ. Ước tính trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng. Như vậy, con số xuất khẩu dự kiến cả năm 2021 dệt may Việt Nam sẽ đạt 37,92 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.
Phóng viên cho hay, theo Vitas trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy dệt may phải tạm dừng sản xuất, hoặc giảm công suất xuống còn 20-40% trong nhiều tháng liền, ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động đã quay trở lại làm việc ở các nhà máy với tỷ lệ 92 – 93%. Chủ tịch Vitas chia sẻ, trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng nên đã có số lượng nhất định đơn hàng giao tháng 11, 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13%-14%.
Ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam cho hay, ngành dệt may và thời trang thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Các nhãn hàng ngày càng chú trọng đến các nguyên liệu vừa mang tính thời trang, vừa thân thiện với môi trường. Bông là nguyên liệu rất tốt cho môi trường, là nguồn nguyên liệu đầu vào chính của ngành sợi. Do vậy, bông phải được trồng theo quy trình dùng ít tài nguyên như đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu…“Đến năm 2025, tất cả các nhãn hàng chuyển qua sử dụng bông bền vững, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp đi theo thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh”, ông Hùng khuyến cáo.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhận định, mặc dù đối mặt với những bất định, song với tình hình kinh tế phục hồi, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng dệt may của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…sẽ trở về mức ngang bằng năm 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Vinatex cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2022. Ở kịch bản cao, sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, đã có trên 80% lao động trở lại nhà máy, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD.
Kịch bản trung bình, khi sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, đã có trên 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD. Và ở kịch bản thấp, quý I/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD…
Về dự báo triển vọng năm 2022, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) cho rằng, năm 2022, tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới sẽ đi xuống, khả năng kiểm soát dịch tốt hơn, khi đó thị trường sẽ ấm lên. Sau khoảng 2 năm thị trường dệt may toàn cầu bị “áp lực” quá lớn, nếu phục hồi nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, các đối thủ với Việt Nam hiện cũng chưa có quá nhiều ưu thế hơn so với Việt Nam.
Phương Linh