Theo báo cáo thường niên “e – Conomy SEA 2020” mới đây của Google, Temasek và Bain & Company, Trong giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống COVID- 19, người dân Việt Nam đã thích nghi rất nhanh các dịch vụ thương mại điện tử, dự kiến ngành này sẽ tăng trưởng mạnh, có thể đạt tới 29 tỷ USD vào năm 2025.
Ở góc quan sát rộng, ngành dịch vụ số ở Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục tăng trưởng bất chấp đại dịch, đã có 40 triệu người dùng mới chỉ trong năm 2020. Báo cáo này dựa vào khảo sát khoảng 4.700 người trả lời trên khắp Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines để theo dõi sự thay đổi trong tiêu dùng kỹ thuật số của họ trước và sau khi đại dịch xảy ra. Kết quả cho thấy số người sử dụng dịch vụ gọi đồ ăn tăng 34% và mua hàng tạp hóa trực tuyến tăng 33% sau khi COVID-19 tấn công Đông Nam Á. Giáo dục tăng trưởng 22%, trong khi phát sóng trực tuyến video tăng 21%.
Trước đại dịch, dịch vụ gọi xe đã tăng trưởng theo cấp số nhân ở ASEAN. Báo cáo của Google, Temasek và Bain được công bố vào năm ngoái ghi nhận rằng nhu cầu về dịch vụ này đã tăng gấp 5 lần từ 8 triệu người dùng tích cực vào năm 2015 lên hơn 40 triệu năm 2019. Việc hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội đã làm đóng băng nhiều hoạt động trong nền kinh tế số, đặc biệt là du lịch và gọi xe. Ngược lại, doanh số tăng vọt trong các ngành thương mại điện tử, hàng tạp hóa và giao hàng thực phẩm.
Đối với thị trường Việt Nam, số lượng người dùng dịch vụ số mới đã tăng rất cao trong đại dịch (41% tổng số người tiêu dùng dịch vụ số là khách hàng mới), cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á. Và 94% khách hàng trong số những người tiêu dùng mới này cũng cho biết họ có có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ số sau đại dịch.
Trước đại dịch COVID- 19, trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam đã dành 3,1 giờ để online (cho mục đích sử dụng cá nhân, không tính online vì công việc). Con số này tăng vọt lên 4,2 giờ trong thời kỳ giãn cách xã hội nghiêm ngặt để chống dịch COVID- 19, và hiện nay là 3,5 giờ mỗi ngày. Có tới 8/10 người dùng Việt Nam cho rằng công nghệ là rất hữu ích trong thời kỳ đại dịch và đến nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Số người tham gia các dịch vụ số của Việt Nam cũng tăng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng 41%, cao hơn trung bình 36% của khu vực.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy thương mại điện tử đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam. Các lĩnh vực khác như giao hàng, quảng cáo trực tuyến cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ có dịch vụ du lịch là sụt giảm.
Trên cơ sở đó, “e – Conomy SEA 2020” đã đưa ra dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó là thị trường dịch vụ vận chuyển và giao đồ ăn cũng đạt khoảng 7 tỷ USD.
Nhìn chung, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 14 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ. Dự báo cho năm 2025, kinh tế số Việt Nam có thể sẽ đạt 52 tỷ đô la Mỹ. Với kết quả này, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 2 về kinh tế số ở Đông Nam Á, sau Indonesia vào năm 2025.
HealthTech (công nghệ y tế) và EdTech (công nghệ giáo dục) đã đóng vai trò quan trọng trong đại dịch. Tuy nhiên, những lĩnh vực này vẫn còn non trẻ và còn nhiều thách thức cần phải được giải quyết trước khi đưa vào thương mại hóa ở quy mô lớn hơn.
Trong báo cáo năm 2019, nhóm nghiên cứu đã xác định 6 rào cản chính đối với tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam là – Khả năng truy cập Internet, Vốn, Niềm người tiêu dùng, Thanh toán, Hậu cần và Nhân tài. Năm nay, các rào cản này đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là Thanh toán và Niềm tin Người tiêu dùng.
Quốc Cường