Theo nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tại kỳ điều hành giá chiều mai (11/4), giá xăng dầu trong nước có thể tăng mạnh, hơn 1.000 đồng/lít với xăng và dầu khoảng 600 – 800 đồng/lít, chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến ngày 5/4, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng tăng cao. Cụ thể, giá xăng RON95 giao dịch mức 104,3 USD/thùng, xăng RON92 mức 101,89 USD/thùng, dầu diesel mức 100,75 USD/thùng. Mức giá này cao hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/3 – 3/4 (xăng RON92 mức 93,822 USD/thùng, xăng RON95 mức mức 98,294 USD/thùng và dầu diesel là 96,891 USD/thùng).
Trên thị trường thế giới, ngày 10/4, giá dầu Brent giao dịch ở mức 85,12 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng, tương đương tăng 0,15%; trong khi đó dầu WTI giao dịch mức 80,7 USD/thùng, tăng 0,09 USD/thùng, tương ứng tăng 0,11%. Tính chung cả tuần trước, giá dầu đã tăng hơn 6% sau khi các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giảm tiếp sản lượng để giữ giá dầu.
Theo các chuyên gia, việc giá cả hai mặt hàng dầu thô đều tăng 20% chỉ trong hai tuần gần đây phản ánh tình trạng thâm hụt nguồn cung trong ngắn và trung hạn, khi nhu cầu được dự kiến sẽ phục hồi từ quý III/2023. Trước xu hướng tăng mạnh của giá dầu thế giới, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành tới có thể tăng mạnh. Mức tăng phụ thuộc vào diễn biến giá những ngày tới và việc sử dụng quỹ bình ổn giá. Dự báo, mức tăng có thể trên 1.000 đồng/lít, chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh các loại phí khác.
Tại thị trường trong nước, ngày 3/4, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 3/4. Theo đó, ở kỳ điều chỉnh ngày 3/4, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng nhẹ 60 – 128 đồng/lít. Còn dầu hỏa giảm tới 425 đồng/lít, xuống 19.037 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tiếp tục thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 10 đợt điều chỉnh, trong đó có 6 đợt tăng, 3 đợt giảm và một đợt giữ nguyên.
Liên quan đến giá xăng dầu, ngày 7/4, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Theo đó, tại văn bản này, Bộ Tài chính đã cập nhật mức chi phí mới cho xăng dầu dựa trên chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện và diễn biến thị trường xăng dầu trong nước từ đầu năm 2023 đến nay.
Trong quá trình rà soát, tổng hợp các khoản chi phí xăng dầu hàng tháng do doanh nghiệp báo cáo cho thấy một số chủng loại xăng, dầu không có dữ liệu về chi phí để tổng hợp đánh giá. Đồng thời, qua rà soát các khoản chi phí phát sinh từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy có khoản chi phí tăng, có khoản chi phí giảm nhưng đều ở biên độ thấp, không có biến động bất thường.
Theo dõi các khoản chi phí nêu trên tại các kỳ rà soát, tổng hợp từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tài chính nhận thấy có biến động tăng, giảm nhưng ở mức thấp.
Thanh Mai