Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Gần đây nhất, Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) đã ký hợp đồng cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển năng lượng TTC (TTC Energy) nhằm tài trợ vốn cho dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Trong đó, 7,6 triệu USD sẽ được cho vay dưới dạng vốn vay ưu đãi không song song từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Châu Á (LEAP) có sự góp vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Dự án sẽ xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có công suất 50 MW và các cơ sở hạ tầng đi kèm tại tỉnh Tây Ninh, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tại các tỉnh thành khu vực phía Nam cũng như thực hiện mục tiêu phát triển và đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

Một dự án điện mặt trời khác là Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) cũng đã được ADB và các đối tác tài chính cho vay 37 triệu USD để làm dự án điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch HĐQT Công ty DHD nhớ lại, kể từ khi tiếp xúc với ADB hồi đầu năm 2018 tới ngày ký được hợp đồng vay vốn tuần trước, tính ra mất gần 2 năm. “Sở dĩ lâu vậy là bởi, đây là khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ và dựa hoàn toàn vào nội lực của DHD”, ông Oánh nói.

Với công suất 47 MWp, Dự án Điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, đã gồm thuế. Theo thiết kế và vận hành, Nhà máy hoạt động trong thời gian 25 năm và sẽ hoàn vốn sau 13,5 năm…

Vào tháng 6/2019, Nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG – CME Long An 1 được xây dựng tại xã Thạnh An, huyện Thanh Hóa (Long An) cũng đã chính thức đi vào hoạt động và hòa mạng lưới điện quốc gia. Đây là một trong những nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An được xây dựng trên diện tích hơn 50 ha, có công suất 40,6 MWp, với 123.000 tấm pin năng lượng mặt trời và tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Dự án do liên doanh Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) – Copper Mountain Energy (CME) và Quỹ Đầu tư Vietnam – Oman (VOI) làm chủ đầu tư.

Hay như Tập đoàn Quadran International (Pháp) và đối tác Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cũng đã hợp tác phát triển dự án nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, khởi công từ tháng 9/2018, có quy mô công suất 50 MWp, đặt tại tỉnh Bình Định. Sản lượng điện năng dự kiến của dự án vào khoảng 76.500 MWh mỗi năm.

Ngoài ra, Quadran International cũng đang triển khai 2 dự án năng lượng mặt trời tại các tỉnh Bình Định và Khánh Hòa, với tổng công suất 85 MW và dự kiến tiếp tục đầu tư xây dựng từ 100 – 200 MW mỗi năm. Và còn có hàng loạt các dự án đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, Nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, Nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam…

Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút được dòng vốn ngoại vào các dự án điện mặt trời, điều quan trọng là phải từ chính doanh nghiệp. Đơn cử như theo lý giải về việc DHD nhận được khoản vay không nhỏ từ ADB và các đối tác, ông Oánh cho hay, khó nhất với ADB chính là chứng minh khả năng quản lý và tài chính, đáp ứng các điều kiện về môi trường và xã hội.

Ngay trước khi ký hợp đồng vay vốn chính thức vài ngày, các chuyên gia của ADB đã kiểm tra thực tế Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi, tuyến đường dây 110 kV và các hộ dân chịu ảnh hưởng tác động của Dự án, để đánh giá kết quả thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng của DHD theo hồ sơ vay vốn như một phần quan trọng để xem xét, chấp thuận giải ngân cho dự án.

Với việc ban hành các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Chính phủ Việt Nam sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư năng lượng mặt trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 80 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, hiện cũng có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Linh Nga