Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 63,94 tỷ USD. Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án.

Phân tích về sự dịch chuyển dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu so sánh số liệu 10 tháng năm 2021 với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng vị trí thứ 4 với tổng số vốn đăng ký cấp mới là gần 472 triệu USD và khoảng 50 dự án cấp mới.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, riêng trong 10 tháng, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 150 dự án mới (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước), điều chỉnh 105 lượt dự án và 170 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 3,38 tỷ USD, đứng thứ 3/97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (chỉ sau Singapore và Hàn Quốc).

“Dòng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, sắc nét, rất tích cực bất chấp những khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19 thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản và sức hút của thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh mới”, ông Hiếu nhận định.

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản chỉ ra rằng, là một trong những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Nhật Bản hiện đã đầu tư tại 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Thanh Hóa là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nhật Bản với số vốn là 12,5 tỷ USD chiếm 19,59% tổng vốn đầu tư.

Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh nên việc đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tiếp tục mở rộng dù dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp trong quý II và quý III vừa qua.

Untitled-1

Sản xuất ô tô tại nhà máy Toyota Việt Nam.

Với những kết quả đã đạt được trong 10 tháng vừa qua với sự đột biến về vốn đăng ký cấp mới, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài, thứ 3 về kim ngạch thương mại… Các con số này đã cho thấy quan hệ hết sức đặc biệt và sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước”.

Quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam – Nhật Bản được kỳ vọng tiếp tục được nâng lên tầm cao mới khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm chính thức tại Nhật Bản trong thời gian 22-25/11.

Hiện dòng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện; kinh doanh bất động sản. Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản hiện đã có mặt tại Việt Nam như Toyota, Honda, Canon, Panasonic, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Marubeni, Sojitz, Idemitsu, Mitsui,…

Trong thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh Covid-19, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện với những giải pháp hiệu quả, sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến một số doanh nghiệp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.

chetao

 

Tuy vậy, theo ý kiến một số chuyên gia, Việt Nam phải nhìn nhận vấn đề này theo nhiều chiều hướng, và phải đặt trong mối tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Covid-19 là câu chuyện của toàn thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Trong bối cảnh thu hút FDI sụt giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực, các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan… có tỷ lệ giảm mạnh hơn Việt Nam rất nhiều.

Để níu chân và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách, hoàn thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng cần có sự linh hoạt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, cần đẩy mạnh tốc độ và hiệu quả tiêm vaccine cho người lao động, giãn thuế – giảm thuế nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại, sớm giải quyết các khó khăn về logistic và chuỗi cung ứng, giảm thiểu tối đa những tác hại bất lợi từ dịch Covid-19. Chính phủ cũng nên xem xét giảm thời gian giãn cách, đồng thời tạo thuận lợi để các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm việc, khảo sát môi trường đầu tư và triển khai dự án.

Hiện các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.842 dự án với số vốn 41,79 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm đến 65,3% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với 19 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,4 tỷ USD chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Kế đến là kinh doanh bất động sản với số vốn là 6,97 tỷ USD chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án tiêu biểu của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam như: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư là 9 tỷ USD; Dự án Thành phố Thông minh, tổng đầu tư là 4,13 tỷ USD với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bao gồm Trung tâm tài chính thương mại, nhà trẻ, vườn hoa công viên, khu nhà ở dự án đầu tư tại Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng đầu tư là 2,79 tỷ USD tại Thanh Hóa.

Linh Nga