Dòng tiền đầu tư bất động sản rõ nét hơn trong xu hướng Nam tiến đến những thị trường mới có nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, nhiều tỉnh thành phía Nam nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ phía các nhà đầu tư như Bình Thuận hay Bà Rịa – Vũng Tàu từ 40-60%, so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ tại tọa đàm và giao lưu trực tuyến “Đầu tư bất động sản miền Nam – Lựa chọn dự án và phương thức đầu tư” do Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức, PGS.TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết: 3 khu vực đặc biệt hút mạnh dòng đầu tư.
Thứ nhất là Bình Định, trong đó Quy Nhơn sẽ là khu du lịch đẳng cấp quốc tế và Bình Định sẽ là điểm đến hàng đầu của châu Á.
Thứ hai là tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ vùng Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang… có khí thế bùng nổ chưa từng thấy về du lịch và ở đẳng cấp hàng đầu thế giới chứ không chỉ ở châu lục. Đây là trung tâm của tiểu vùng duyên hải phía Nam từ Phú Yên trở vào trong.
Thứ ba là khu vực Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Có thể thấy xu thế bùng nổ đang rất mạnh. Đặc biệt, vị chuyên gia cũng đánh giá sự bùng nổ trở lại của du lịch và sự phát triển của hạ tầng và sự đổ bộ của các ông lớn địa ốc với các dự án khủng như Novaworld tiếp tục là đòn bẩy cho thị trường bất động sản khu vực này.
Cũng chia sẻ tại tọa đàm, TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết một số nhà đầu tư miền Trung, miền Bắc đã tham gia vào thị trường phía Nam. Ngay khu vực Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng vừa qua đã có một nhóm nhà đầu tư mới tham gia đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng từ miền Trung đổ vào phía Nam là một sân chơi đa màu sắc, đa dạng về chủng loại, về sản phẩm và được xem là một lĩnh vực thế mạnh của các tỉnh miền Trung và miền Nam. Điều này giúp bổ sung nguồn vốn rất lớn cho thị trường, hút nguồn tiền từ các lĩnh vực khác và “sân chơi” này sẽ được mở rộng hơn ra các thành phố vệ tinh. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư chuyển mình về khi các quỹ đất đang còn nhiều và cơ chế cũng khá thuận lợi trong quy trình phê duyệt để thực hiện dự án.
TS Sử Ngọc Khương cho biết, có hai nhóm nhà đầu tư. Với nhóm nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp từ phía Bắc, họ luôn tập trung vào những dự án trung tâm, nơi có sự thu hút rất nhanh. Còn đối với nhóm đầu tư không chuyên, họ sẽ có những chiến lược và tầm nhìn khác, bởi họ xuất phát từ các công việc khác như xây dựng, đầu tư, sắt thép, sản xuất kinh doanh… Họ có góc nhìn khác và sẽ tập trung vào các thành phố vệ tinh xung quanh TP.HCM, nơi mà quỹ đất nhiều hơn, quy mô lớn hơn, có cơ chế thuận lợi hơn trong việc phê duyệt.
Vị chuyên gia cho rằng đây cũng là một chiến lược tốt cho các doanh nghiệp, khi mà họ từ lĩnh vực khác tham gia vào bất động sản – nơi chưa phải là thế mạnh.
Cũng giống như các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam họ rất cẩn thận xem xét từng yếu tố về góc độ pháp lý, thị trường, về những nguồn cung cầu mà họ cần tiếp cận.
Đối với nhà đầu tư thứ cấp, sẽ liên quan đến vấn đề về lợi nhuận. Nhóm nhà đầu tư này thường sẽ quan sát ở những nơi đầu tư xuống tiền ít nhất và có thể chuyển nhượng được. Đây là nhóm nhà đầu tư khá phổ biến trên thị trường, lợi nhuận không phải là vấn đề chính mà họ quan tâm.
“Từ trước đến nay chúng ta thấy Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) được xem là một trong những khu du lịch truyền thống gắn liền với đô thị. Nhìn tổng thể, một số khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn chính là một trong những lợi thế cạnh tranh của đất nước. Cả một dải đất nơi mà bờ biển đi qua rất sát sườn với đô thị, thời lượng có nắng rất cao, tiềm năng khai thác lớn thì đây chính là điểm thuận lợi để khu vực biển miền Trung từ Trung Trung Bộ, Đà Nẵng vào phía Nam Trung Bộ, Bình Thuận phát triển. Các đô thị, thành phố này gắn liền với sự phát triển cũng như sự hình thành các khu du lịch” – TS Sử Ngọc Khương cho biết.
Mai An