Với nhiều lợi thế tại thị trường Mỹ, Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) được nhiều chuyên gia đánh giá có nhiều triền vọng tăng trưởng trong năm 2020.
Động lực tăng trưởng
VCS vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2019 với doanh thu thuần đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 389 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế cả năm 2019, VCS ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.563 tỷ đồng, tăng 23% và LNST đạt 1.410 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018, EPS năm 2019 đạt 8.114 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 mà VCS đạt được là nhờ 2/3 doanh thu đến từ việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ phục hồi (thị trường Mỹ chiếm 66% tổng doanh thu của công ty), kể từ khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm đá thạch anh nhân tạo của Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 10/2018.
Năm 2020, VCS đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.554 tỷ đồng, tăng 19,78% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.980 tỷ đồng, tăng 20,43% so với năm 2019.
Một số chuyên gia trong ngành nhận định, triển vọng kinh doanh năm 2020 của VCS sẽ tích cực nhờ sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng trưởng trở lại, do Mỹ không chỉ áp thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc, mà còn đang xem xét việc áp thuế đối với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ EU, Ấn Độ… vốn là những nước xuất khẩu sản phẩm đá thạch anh nhân tạo lớn vào thị trường Mỹ bên cạnh Trung Quốc. Việc áp thuế này nếu được thông qua sẽ có tác động tích cực đối với VCS.
Đặc biệt, VCS có tính cạnh tranh cao về mẫu mã thiết kế nếu so với các thương hiệu đá nhân tạo lớn như Caesarstone, Silestone, LG Stone hay Compac. Tại Mỹ, giá bán đá nhân tạo của VCS sau khi đã tính chi phí lắp đặt thấp hơn so với Caesarstone và Silestone, giúp VCS có tính cạnh tranh cao ở thị trường Mỹ.
VCS hiện có nhiều hoạt động nhằm đảm bảo tỷ lệ nội địa hoá đạt 95% nguyên liệu đầu vào, giúp công ty giảm sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Việc chủ động về nguồn nguyên liệu sẽ giúp VCS giảm giá thành sản phẩm, hướng tới sự phát triển bền vững.
Về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, từ năm 2019 – 2021, VCS thực hiện tái cấu trúc trở thành Tập đoàn chuyên sản xuất, kinh doanh đá tấm, cũng như nguyên vật liệu đầu vào cho sản phẩm này. Từ đó, VCS tiếp tục mở rộng và đầu tư để nâng cao công suất, dự kiến từ năm 2021 đến 2024 hoàn thành đầu tư thêm ít nhất 02 dây chuyền sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh, nâng năng suất lên 5 triệu m2/năm.
Còn nhiều thách thức
Sản phẩm của VCS được bán ra chủ yếu tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu (gần 99% doanh thu của VCS tập trung chủ yếu ở các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Úc và Canada) vốn tiềm ẩn nhiều biến động cả về kinh tế và chính trị. Điều này tiềm ẩn rủi ro đối với VCS.
Đáng chú ý, trong năm 2019 VCS hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, nhưng đến nay Mỹ – Trung đã đạt thoả thuận giai đoạn 1 và đang tiến tới thỏa thuận giai đoạn 2. Nếu Mỹ hủy bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm đá thạch anh của Trung Quốc, sẽ gây bất lợi cho VCS.
Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn có truyền thống sản xuất đá nhân tạo lâu đời như Cambria, Ceasarstone, SileStone và LG Stone, cùng với các công ty mới nổi tại Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ,… liên tục đưa ra những sản phẩm mới với mẫu mã nổi bật, tính chất cơ lý vượt trội. Điều này cũng gây áp lực cạnh tranh lớn đối với VCS.
Tại thị trường trong nước, sản phẩm đá nhân tạo của VCS được sản xuất trên dây chuyền công nghệ rung ép vật liệu trong môi trường chân không, được chuyển giao độc quyền tại Việt Nam bởi Breton. Hợp đồng này hiện đã hết hạn vào cuối 2017, theo đó VCS sẽ không còn là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sử dụng công nghệ này. Đây cũng là thách thức lớn đối với VCS.
Một yếu tố nữa là sản phẩm thay thế, hiện có rất nhiều sản phẩm khác nhau được sử dụng thay thế đá xẻ trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như ceramic, laminates, thậm chí các sản phẩm tương đương từ các nhà cung cấp nổi tiếng trên thế giới như Inalco, antoniolupi (sản xuất ceramics) hay Pergo, Mohawk (sản xuất laminates).
Các sản phẩm thay thế này, mặc dù về tính chất cơ lý và mẫu mã có thể không bằng được với sản phẩm đá nhân tạo, nhưng lại có nhiều ưu điểm như số lượng mẫu mã đa dạng, giá thành phải chăng và có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp đá nhân tạo không sử dụng được nên có thể dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Điều này đặt ra thách thức cho VCS đổi mới quy trình sản xuất, cho ra đời những sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn.
Cuối cùng, áp lực nợ vay đối với VCS cũng là điểm đáng chú ý. Nợ phải trả của doanh nghiệp này đã tăng 27,5% lên 2.135 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn tăng 12,4% lên 1.882 tỷ đồng và nợ dài hạn tăng từ 330 triệu đồng lên 253 tỷ đồng. Đáng chú ý cuối năm 2019, VCS phát sinh 252,7 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, trong khi đầu năm 2019 không có khoản này.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VCS đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2 ở mức 73.600 đồng/cp, tương ứng giảm 46,6% so với mức đỉnh năm 2019 là 107.800 đồng/cp được thiết lập hôm 3/10.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, cổ phiếu VCS đang được giao dịch tại mức P/E kế hoạch năm 2020 là 7,4x (EPS tương ứng là 9.737 VND/cp). Stock Rating của VCS ở mức 76 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng trung hạn của cổ phiếu này hiện ở mức trung tính.
“Đồ thị giá của VCS tiến sát đường trung bình 50 ngày với khối lượng giao dịch cải thiện dần. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn cũng có chiều hướng giảm dần và xu hướng ngắn hạn được nâng từ mức giảm lên tăng. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu VCS ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp và tăng dần tỷ trọng khi mức Stock Rating được cải thiện trên mức 80 điểm”, ông Minh khuyến nghị.
Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số Stochastic có tín hiệu vượt mua, trong khi MA50 vẫn đang cắt xuống dưới MA100 và MA200, cho thấy tín hiệu điều chỉnh với cổ phiếu VCS chưa kết thúc. Theo đó, nếu vượt qua mức 83.000đ/cp (MA200), thì VCS mới có thể tiếp tục tăng lên vùng 90.000đ/cp. Ngược lại, VCS sẽ tiếp tục điều chỉnh về đáy cũ tại 62.000đ/cp, đây được xem là mức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Diễm Ngọc