Chuyển tới nội dung

Động lực nào cho đổi mới sáng tạo Việt Nam?

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) cần được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp hàng đầu với sự đồng hành hỗ trợ của nhà nước và toàn bộ hệ thống tri thức khoa học công nghệ.

Trong quá trình học tập tại hệ sinh thái ĐMST Israel (do Bộ Ngoại giao Israel cấp học bổng), tôi luôn luôn được nhắc nhở tới vai trò liên kết giữa ba nhà là Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà trường. Trong đó, vai trò doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Nhìn lại trong hệ sinh thái hệ ĐMST Việt Nam dường như doanh nghiệp chưa đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới sáng tạo.

Động lực tiên phong

Vai trò của doanh nghiệp – những động lực tiên phong của ĐMST được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại trong buổi lễ kỷ niệm 25 năm ngành thành lập FPT IS. Bộ trưởng có đề cập tới khát vọng phải vươn xa vươn cao và đi ra ngoài biên giới của các tập đoàn, công ty, doanh nhân về công nghệ “Doanh nghiệp nên đi tiên phong trong việc tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng mà con người đang trải qua, nên đi tiên phong trong việc nâng cao ý thức của xã hội, nên giải quyết những thách thức lớn nhất của xã hội. Doanh nghiệp càng lớn, tác động của nó càng mạnh và vì vậy, trách nhiệm với đất nước càng phải cao“.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ là thông điệp gửi tới FPT IS nói riêng mà còn tất cả các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về công nghệ nói chung. Vai trò của doanh nghiệp trong hệ sinh thái ĐMST ngày càng trở nên cấp bách khi chính phủ đã quyết tâm đầu tư rất nhiều cho đổi mới sáng tạo thông qua kế hoạch xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Để thúc đẩy vai trò các trường đại học, chúng ta lại kỳ vọng một lần nữa từ doanh nghiệp với sự kiện Vingroup tài trợ hàng trăm tỷ cho các nhà nghiên cứu khoa học tại các viện trường đại học trên cả nước cũng như chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các trường đại học công nghệ. Trường đại học là nơi đang sở hữu những nhân tài về khoa học công nghệ đào tạo tại nước ngoài. Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp thực hiện các chương trình cụ thể thúc đẩy nghiên cứu khoa học giữa nhà trường và doanh nghiệp.

… và động lực chính

Nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học – động lực chính của hệ sinh thái ĐMST, có hai hướng tiếp cận hệ thống quan trọng bên trong và bên ngoài. Dường như trong những năm qua, hệ sinh thái ĐMST Việt Nam chưa xác định chúng ta sẽ làm gì với góc nhìn tương quan với các hệ sinh thái ĐMST trong khu vực và thế giới.

Tập đoàn Vingroup tài trợ phòng nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học công nghệ Việt Nam

Trong chuyến đi học tập tại Israel, chúng tôi có gặp một giám đốc vườn ươm và anh chia sẻ về dự án dữ liệu lớn có quy mô cả thế giới về ngành thể thao. Anh chia sẻ, năm 2014 khi tập trung vào dữ liệu lớn, anh có đánh giá rất chi tiết về các xu hướng cũng như các mảng trống trên thị trường trong khu vực và thế giới. Sau đó anh chọn dữ liệu lớn trong thể thao là lĩnh vực chưa được nghiên cứu và triển khai. Sau ba năm với chi phí đầu tư không nhiều, anh đã xây dựng cả một hệ sinh thái ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn trong thể thao. Các kết quả rất khả quan vào năm 2018 khi anh đã ký kết với các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu trên thế giới khi cung cấp các giải pháp công nghệ dữ liệu lớn cải thiện hiệu suất thi đấu. Bài học cho hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đó là cần xác định những gì chúng ta có thể cộng hưởng và làm thật tốt những cái mà hệ sinh thái khác chưa làm hoặc chưa tập trung.

Cách tiếp cận thứ hai cũng từ hệ sinh thái ĐMST Isarel đó là cần tập trung vào những vấn đề mà bản thân Việt Nam đang gặp phải. Chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề như ngập mặn đe dọa đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm không khí, chất lượng thực phẩm,… Tất cả những vấn đề đó cần trở thành mục tiêu của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam. Trước khi tìm kiếm khách hàng cho những giải pháp, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không trở thành chính khách hàng của chúng ta? Rất nhiều các công nghệ – sản phẩm của ĐMST tại Israel bắt nguồn từ các vấn đề và khó khăn của chính họ.

Giải pháp cho các vấn đề này cần phải thúc đẩy các chương trình Steam, Maker, tư duy đổi mới sáng tạo trong hệ thống cấp ba một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra hàng trăm ngàn kỹ sư khoa học công nghệ trong tương lai. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hiện có trong các doanh nghiệp cần được đào tạo về tâm thế đổi mới sáng tạo, tâm thế growth mindset cũng như các công cụ như Design Thinking tư duy thiết kế, Triz, sáu chiếc mũ tư duy cho toàn thể nhân lực trong doanh nghiệp. Cuối cùng, chúng ta cần có một chương trình kiến tạo thế hệ lãnh đạo đổi mới sáng tạo- những chiến binh kết nối và hiện thực hóa tam giác đổi mới sáng tạo: Nhà nước- Nhà trường – Doanh nghiệp.

Ths Vũ Tuấn Anh Chuyên Gia Khởi Nghiệp và Đổi Mới Sáng Tạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved