Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là một trong những chủ trương lớn của Đảng ta, được hình thành rõ nét từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho đến nay. Nhờ đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn chuyển từ tăng trưởng chủ yếu dựa trên gia tăng huy động và sử dụng nguồn lực sang tăng trưởng chủ yếu dựa trên gia tăng hiệu quả.

cn

Mô hình tăng trưởng thay đổi chậm, tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế.

Tiên quyết là xây dựng thể chế phát triển

Tuy nhiên, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong những năm vừa qua vẫn chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện rõ nét.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây thừa nhận mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm, tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Ví dụ, ngành dệt may vẫn gia công đến 60% và chỉ xuất khẩu khoảng 5% theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất); ngành điện tử tuy được đánh giá là tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi…

Là người tham gia nghiên cứu, chấp bút nhiều đề án quan trọng của đất nước về cải cách hành chính, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rất tâm tư khi nhận thấy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng vừa qua chưa đi vào thực chất, do các cải cách cơ chế và thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế chưa được tiến hành nhất quán, toàn diện, chưa đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.

Qua đó, làm bùng nổ các nguồn lực xã hội và phân bổ nguồn lực đó một cách hiệu quả hơn, từng bước hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý, năng động hơn với tiềm năng tăng trưởng ngày càng được gia tăng.

“Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là kém hiệu quả trong sử dụng các nguồn lực về vốn, lao động, tài nguyên, đất đai. Đáng lẽ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải nằm ở khâu xây dựng thể chế để phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất đó, đồng thời thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực của Nhà nước, của xã hội một cách thị trường và thị trường hơn nữa để nguồn lực chảy đến nơi nào sử dụng hiệu quả nhất”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Động lực kinh tế số 

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học chỉ rõ “mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đã đạt tới đỉnh”. Nếu tiếp tục con đường tăng trưởng dựa vào mở rộng quy mô vốn, sử dụng nguồn nhân công giá rẻ với tay nghề thấp và giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu thấp, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh và đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai.

1

Ngành dệt may vẫn gia công đến 60% và chỉ xuất khẩu khoảng 5% theo phương thức ODM.

Vì vậy, yêu cầu về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng trở nên cấp thiết hơn, khi Việt Nam đang ở giữa ngã ba đường: Bứt phá lên quỹ đạo tăng trưởng cao để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc là trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 hay bằng lòng với hiện tại để rồi vướng vào bẫy thu nhập trung bình, ngày càng tụt hậu và một lần nữa vuột mất cơ hội tiến cùng các cường quốc trên thế giới.

Để chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải có hệ thống đồng bộ các giải pháp từ tổng thể đối với toàn nền kinh tế đến giải pháp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, vùng kinh tế. Qua đó, khắc phục được điểm yếu của cơ cấu kinh tế hiện nay là kém năng động, thiếu cân bằng, dư địa chính sách hẹp, khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài rất mỏng,… Trong rất nhiều giải pháp đề ra, tăng năng suất lao động là giải pháp cốt lõi, vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển và có độ mở cao như Việt Nam vì thúc đẩy năng suất quốc gia đồng nghĩa với tăng trưởng nhanh và bền vững. Quá trình này luôn phải dựa vào ứng dụng khoa học công nghê, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhanh kinh tế số.

Cụ thể, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, dịch COVID-19 xảy ra, các cường quốc đang phải tạm dừng tăng trưởng để tập trung “dưỡng thương” là cơ hội để Việt Nam bứt tốc đuổi kịp họ thay vì cứ phải đi sau trên con đường phát triển.

Theo đó, thời cơ tốt nhất đang đến với Việt Nam khi chúng ta đang ở vào giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của nó, gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nếu không dứt điểm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ khó nói trước được chúng ta có một lần nữa bỏ lỡ cơ hội hay không.

Đồng quan điểm, TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, đổi mới mô hình tăng trưởng hay lựa chọn tối ưu một mô hình tăng trưởng kinh tế mới là tùy cách gọi. Nhưng đích đến cuối cùng là phải bảo đảm được mục tiêu kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và môi trường, ứng phó hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.

Muốn vậy, trước hết, cần thể chế hóa cụ thể yêu cầu, mục tiêu đặt ra từ các nội hàm đổi mới của mô hình tăng trưởng, đặc biệt chú trọng vai trò của đổi mới sáng tạo và hoạt động khoa học công nghệ nhằm từng bước đưa nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế số.