Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia với điểm nhấn du lịch xanh hướng tới cộng đồng. Trong đó, địa phương này đã tận dụng dư địa dồi dào từ các huyện miền núi để tạo dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

dulichmiennuiQuangNam-3

Quảng Nam đang thực hiện nhiều giải pháp phát huy tiềm năng du lịch tại các huyện miền núi.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng để phát huy tốt tiềm lực du lịch xanh, du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi, cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ từ địa phương, đặc biệt cần khắc phục hạ tầng giao thông, cơ chế sử dụng đất, tài nguyên.

Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FVG (đơn vị phát triển Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang), cho rằng khi doanh nghiệp phát triển du lịch miền núi, người dân địa phương sẽ có cơ hội tiếp cận việc làm giúp xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngoài việc địa phương hỗ trợ thì các doanh nghiệp cần liên kết với nhau tạo nên vùng du lịch sinh thái. Ngoài ra, vấn đề di chuyển cũng đã tạo nên các thách thức để hấp dẫn du khách. Do đó, cần có sự liên kết tuyến giữa các địa phương cùng với các đơn vị lữ hành.

“Để tạo dựng được vùng du lịch sinh thái, các đơn vị cần hỗ trợ nhau trong việc giới thiệu đến các điểm văn hóa bản địa. Ngoài ra, việc liên kết với các tổ chức phi chính phủ là cần thiết để thu hút thêm lượng khách đến trải nghiệm”, bà Nhung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-DL&TT Quảng Nam, cho biết tỉnh đã ban hành nhiều chính sách xây dựng sản phẩm du lịch miền núi. Tuy nhiên, chính sách này đang tạm dừng và sẽ được thay thế bằng đề án du lịch cộng đồng và đề án phát triển du lịch xanh sẽ góp phần phát triển du lịch vùng phía Tây của tỉnh trong tình hình mới. Đây là đòn bẩy để du lịch miền núi phát triển.

Tuấn Vỹ