Những trận đấu đã qua của AFF Cup 2022 cho chúng ta một nhận định rất rõ ràng: Những gì tốt nhất của bóng đá Đông Nam Á chỉ xuất hiện ở vòng bán kết, nơi dành cho 4 đội mạnh nhất khu vực và đây là con số khá quen thuộc của làng cầu Đông Nam Á từ bấy lâu nay.
1. Chúng ta sẽ lấy cột mốc năm 2002 để xem xét sự phát triển của làng cầu Đông Nam Á. AFF Cup 2022 (khi đó vẫn còn tên Tiger Cup) là kỳ giải đầu tiên đánh dấu các trận đấu thuộc cấp độ đội tuyển không còn diễn ra ở SEA Games (từ 2001 đã chuyển sang U23).
Kế đến, từ đó đến nay là tròn 10 kỳ giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup). Đó cũng là thời điểm mà Dream Team của bóng đá Thái Lan trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên lọt vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2002, khởi đầu cho cái gọi là “Giấc mơ World Cup” của làng cầu khu vực.
Sau 10 kỳ AFF Cup, có tổng cộng 7 đội bóng đã từng góp mặt tại vòng bán kết. Đứng đầu là Việt Nam với 8 lần, sau đó là Indonesia, Malaysia và Thái Lan với 7 lần. Đây cũng chính là 4 đội đang có mặt tại bán kết AFF Cup 2022.
Các đội còn lại từng dự bán kết là Singapore (4), Philippines (3) và Myanmar (2). Về cơ bản, Đông Nam Á chỉ có 5 đội bóng thực sự đủ chất lượng để tạo ra các trận đấu có tính cân bằng, một yếu tố cần thiết để thúc đẩy quá trình phát triển trình độ.
Cũng từ 2002 đến nay, mới có Thái Lan (2 lần) và Việt Nam lọt vào đến vòng đấu loại cuối cùng của World Cup khu vực châu Á. Tuy nhiên, rất khó nhận định là các cột mốc đó có liên quan gì đến AFF Cup hay không, vì thời điểm làm được kỳ tích ấy, cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều sở hữu những thế hệ tốt nhất của mình.
Không có gì bất ngờ, khi lọt vào vòng loại cuối cùng thì cả Thái Lan và Việt Nam đều vô địch Đông Nam Á cùng năm. Ngược lại, Singapore (3 lần) và Malaysia (1 lần) cũng từng đăng quang trong 20 năm qua nhưng họ thậm chí còn không giành được suất dự Asian Cup. Nghĩa là các kỳ tích của Thái Lan, Việt Nam mang yếu tố hội tụ thế hệ hơn là được mài giũa nhờ các sân chơi như AFF Cup.
2. Trở lại với đội tuyển Việt Nam. Về lý thuyết, tại AFF Cup 2022 chúng ta có một đội bóng hội tụ đầy đủ các cầu thủ tốt nhất thuộc thế hệ của mình. Về mặt trình diễn, mọi thứ vẫn chưa được như kỳ vọng nhưng cũng khó nói là có thể tìm ra ai thay thế tốt hơn những người đang có.
Đa số họ sẽ còn chơi được thêm 1-2 mùa AFF Cup nữa nếu không có biến cố gì lớn trong sự nghiệp. Đó chính là vấn đề. Đây là di sản lớn lao mà HLV Park Hang Seo để lại cho bóng đá Việt Nam sau 5 năm làm việc. Nhưng chính con người cũ và lối chơi không mới, cũng sẽ là gánh nặng cho người kế nhiệm.
Như đã phân tích, với thành tích vào bán kết nhiều nhất ở 10 kỳ AFF Cup gần đây, chuyện Việt Nam có vô địch giải đấu này hay không, chẳng có gì to tát. Trong cuộc hành trình chinh phục các đỉnh cao, thì chuyện vào bán kết đến 8 lần ở cùng một giải đấu chẳng khác gì … đi tới, đi lui và giẫm ngay trên bước chân của mình.
Đi càng nhiều, càng chẳng biết mình đã đi được bao xa. Nếu nói AFF Cup là nơi để kiểm tra trình độ, thì chẳng cần phải đưa đội hình mạnh nhất, cũng có thể biết được mình đang đứng ở đâu. Ví dụ như Thái Lan năm nay không có ngôi sao, nhưng vẫn dễ dàng vào đến bán kết, thì cũng sẽ biết rõ năng lực rồi.
Dù có vô địch hay không thì đây chắc là kỳ giải cuối cùng mà HLV Park Hang Seo cầm quân. Dù là nhà cầm quân lẫy lừng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, thì qua AFF Cup 2022 chúng ta cũng thấy, 5 năm là quãng thời gian quá lâu cho một chu kỳ HLV. Đội tuyển có thể vẫn mạnh, nhưng sự mới mẻ là con số 0.
Di sản mà HLV Park Hang Seo để lại có to lớn đến đâu, thì tương lai của bóng đá Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào HLV mới, tầm nhìn mới. Cũng các cầu thủ này, nhưng lối chơi sẽ khác khi bóng đá Việt Nam quyết định “bỏ” AFF Cup để hướng đến việc giành chiến thắng trước các đối thủ lớn hơn. Hoặc cũng có thể, chẳng còn nhiều người thuộc “di sản Park Hang Seo” được tiếp tục lên tuyển nếu chúng ta cần sự trẻ hóa về nhân sự. Tóm lại, đã đến lúc phải thay đổi mục tiêu ở AFF Cup, hoặc chí ít là đừng đặt nặng chuyện thành – bại.
Long Khang