Trong những năm gần đây tại Việt Nam, đổi mới công nghệ và hấp thụ công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp mở rộng hoạt động R&D.

nh-2

Nhà máy Trường Hải đã tự động hóa nâng cao năng lực sản xuất nhíp ô tô từ 6 nghìn tấn/năm lên 10 nghìn tấn/năm và giảm 5% chi phí sản xuất hàng năm

Tác động của đổi mới công nghệ

Trong những thập niên gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 – 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 – 2020, tính chung 10 năm 2011 – 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 – 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp.

Đổi mới và sáng tạo công nghệ là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Về dài hạn, đầu tư cho R&D sẽ dẫn đến việc tích lũy các phát minh sẵn sàng ứng dụng và đưa vào sản xuất, dẫn đến việc tăng năng suất, hay tăng TFP nói riêng.

Đến năm 2030, tăng 1% của tốc độ tăng ngân sách cho R&D có thể mang lại khoảng 106 nghìn tỷ đồng cho GDP thực của Việt Nam (theo giá năm 2010). Con số này xấp xỉ 1,0% tổng GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, đến năm 2045, tăng 1% tốc độ tăng đầu tư cho R&D sẽ tạo thêm khoảng 600 nghìn tỷ đồng, khoảng 3,7% tổng GDP thực năm 2045.

nh-3

Nhờ đổi mới công nghệ trong sản xuất tôm giống, Công ty Việt – Úc đã thành lập trang trại tôm giống với khả năng sản xuất 15 tỷ cá thể tôm giống hậu ấu trung (PL: Post-larvae) hàng năm

Nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ

Trên cơ sở Văn kiện Đại hội XIII, một số chính sách lớn được khuyến nghị trong thời gian tới, bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ mới và đổi mới trong tổ chức thông qua thay đổi cơ cấu, chiến lược và văn hóa.

Để hỗ trợ đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp, các chính sách cần hướng tới hỗ trợ theo từng nhóm công nghệ nhất định.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp. Trọng tâm của hoạt động này là tối ưu hóa việc áp dụng các công nghệ đang được đổi mới. Trở thành một nhà sản xuất hiệu quả và cạnh tranh không đòi hỏi phải tạo ra các công nghệ hàng đầu. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ một cách hiệu quả, đây là “khả năng hấp thụ công nghệ” theo nghĩa rộng hơn.

Thứ ba, thúc đẩy hoạt động R&D và các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ. Hoạt động R&D giúp tăng khả năng hấp thụ công nghệ và tạo cơ hội tăng ngày càng nhiều sáng tạo công nghệ khi Việt Nam phát triển. Trọng tâm hiệu quả nhất của nỗ lực R&D là thúc đẩy áp dụng và thích ứng công nghệ trong tất cả các giai đoạn và các ngành. Do vậy, cần tăng mạnh ngay trong thời gian tới, trước hết từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế khuyến khích cao cho đầu tư vào R&D của doanh nghiệp nội và FDI, coi R&D là lĩnh vực được ưu đãi cao nhất.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực. Sự phát triển các kỹ năng và năng lực của con người là điều kiện tiên quyết đối với cả đổi mới và sáng tạo công nghệ. Kỹ năng có thể được phát triển thông qua: giáo dục chính quy, đào tạo nghề, đào tạo tại chỗ, nhập khẩu hoặc chuyển dịch lao động có kỹ năng. Tầm quan trọng của các kênh này trong phát triển nguồn nhân lực phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế, mức độ phức tạp của tri thức được sử dụng và khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường phát triển các công cụ chính sách và hiệu lực của cơ chế thực thi. Theo Khảo sát về Đổi mới Sáng tạo của Ngân hàng Thế Giới, thiếu sự hỗ trợ của chính phủ là một trong ba yếu tố quan trọng nhất cản trở nỗ lực đổi mới của các doanh nghiệp. Hầu hết các công cụ chính sách hiện nay tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN, các quy định, đào tạo về kỹ năng vận hành và các tiêu chuẩn công nghiệp.

– Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN