Bánh phở Nhắng đã trở thành nghề truyền thống, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc nơi đây

Mảnh đất Lai Châu ở vùng Biên Tây Bắc có rất nhiều danh thắng nổi tiếng như: Thác Tình (huyện Tam Đường) nằm giữa một vùng núi non trùng điệp; Bản Nà Khương và khu Du lịch Phiêng Tiên, xã Bản Bo (Tam Đường) với hơn 60 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái có bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo; Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Súi Hồ) cách thành phố Lai Châu 30km; Quần thể hang động Pu Sam Cap, nơi được ví là “Tây Bắc đệ nhất động”… nhưng sẽ thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến Chợ phiên San Thàng – một trong những phiên chợ vùng cao hiếm hoi giữ được nét riêng biệt, nét truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại những phiên chợ vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần du khách sẽ được khám phá ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong số đó, phải nhắc đến món phở, được gọi là phở Nhắng. Đây là món phở mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Giáy tại Lai Châu.

Nhắc đến món phở chắc hẳn chúng ta sẽ nhớ đến món phở Hà Nội với các thương hiệu nổi tiếng như phở Phở Bát Đàn gia truyền, Phở Sướng Nguyên Hồng, Phở số 10 Lý Quốc Sư, Phở Vui, Phở Thìn, Phở Nhớ, Phở Cồ… thế nhưng nếu ai đó một lần thưởng thức phở Nhắng Lai Châu chúng ta sẽ còn muốn quay lại với mảnh đất Lai Châu thêm nhiều lần.

Bánh phở Nhắng Lai Châu có từ lâu đời và đã trở thành làng nghề truyền thống của người Giáy. Món phở được nấu từ thịt lợn đen rất đặc biệt. Bánh phở to và được dùng kéo cắt tại chỗ, nước phở được ninh bằng xương lợn với nhiều loại gia vị của người dân tộc nơi đây nên nó mê hoặc thực khách bởi nước phở trong, ngọt và mùi vị đặc trưng rất riêng.

Bánh phở đặc biệt là rất mềm, không có hàn the, do đó người dân ở đây không thái bánh phở bằng dao mà cắt bằng kéo.

Theo nghệ nhân làm bánh nổi tiếng ở San Thàng, thành phố Lai châu, để làm ra món phở Nhắng này thì từng khâu trong chuẩn bị nguyên liệu, gia vị như làm nước dùng, bánh phở, tương ớt… đều được làm thủ công với các công đoạn phức tạp, cầu kì do chính chủ hàng thực hiện chứ không phải mua hay đặt sẵn. Món phở Nhắng, khi nhúng bánh thì phải nhúng rất nhanh và nước phải rất sôi mới đảm bảo bánh phở không bị nát khi dùng.

Được biết, trước mỗi phiên chợ, các gia đình làm phở truyền thống đều phải tự mổ lợn để làm nguyên liệu. Thịt lợn phải được lựa chọn từ những con lợn nuôi thả rông tự nhiên, không tăng trọng để thịt được thơm ngon. Xương, thịt thăn, ba chỉ, chân giò, móng giò được chọn lựa để làm nước dùng và nguyên liệu. Riêng nước dùng phải được ninh bếp củi từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới đạt yêu cầu. Thịt nạc, thịt ba chỉ sau khi ninh cùng nồi nước dùng sẽ rất thơm, ngon, dai, ngậy và mềm, không ngấy. Thịt được vớt ra, thái nóng hổi theo từng bát chứ không thái sẵn để thịt giữ được độ mềm và độ ngọt.

Phở Nhắng thường ăn kèm rau húng và đặc biệt là không thể thiếu rau ngót

Đối với gia vị cho vào nước dùng thì chủ yếu là các gia vị tự nhiên, tự làm, được chia đều vào các túi riêng. Tương ớt là loại ớt Sừng được xay nhỏ, trải qua một số khâu chế biến rất cầu kì mang tính bí quyết rồi sau đó cho vào hũ ngâm. Sau đủ 3 tháng, hũ tương ớt mới mang ra dùng. Trong đó, hành khô được chưng rất cầu kì để tạo mùi vị đặc trưng.

Đặc biệt hơn, bánh phở ở đây được chế biến cầu kì, bánh của nhà nào nhà đó tự làm. Bánh phở được làm từ gạo tẻ nương, xay thủ công bằng cối đá sau đó nấu cho gần chín tới rồi mới tiến hành hấp. Bột được cho vào khay nhôm, hấp bằng chảo gang. Công đoạn tiếp theo là hấp từng lớp bánh, sau đó phơi cho ráo nước. Bánh phở đặc biệt là rất mềm, không có hàn the, do đó người dân ở đây không thái bánh phở bằng dao mà cắt bằng kéo.

Thêm một ấn tượng về món phở này chính là người dân, du khách đến chợ thì sẵn lòng xếp hàng dài để chờ đến lượt mình được thưởng thức tinh túy ẩm thực đặc trưng mà khó quên này rồi mới chịu về…

Theo DĐDN