Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng đầu năm ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 29/8, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 đạt 16.300 lượt, tăng 16,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, những con số trên chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, lưu học sinh nước ngoài quay trở lại Việt Nam học tập…
Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt trên 3 triệu lượt, chiếm 80,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 580.000 lượt, chiếm 15,4% và giảm 74,2%; bằng đường biển đạt 144.000 lượt người, chiếm 3,8% và giảm 15,9%.
Trong 8 tháng năm nay, khách đến từ châu Á chiếm 73,1% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 68,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc giảm 72,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc giảm 70,5%; Nhật Bản giảm 67,4%; Đài Loan (Trung Quốc) giảm 67,6%; Thái Lan giảm 59,2%; Maylaysia giảm 69,5%; riêng khách đến từ Campuchia tăng 70,8%.
Khách đến từ châu Âu trong 8 tháng giảm 54,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga giảm 43,7%; Vương quốc Anh giảm 62,2%; Pháp giảm 62,8%; Đức giảm 58,8%. Khách đến từ châu Mỹ giảm 65,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ. Khách đến từ châu Úc giảm 65,4%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a giảm 64,8%. Khách đến từ châu Phi giảm 59,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Những con số đáng buồn trên đều do đại dịch COVID – 19 gây ra. Đáng nói là, sau đợt đại dịch lần 1, nhiều doanh nghiệp du lịch tưởng khó đứng vững, tuy nhiên bằng những chính sách kích cầu hiệu quả từ trung ương đến địa phương, cũng như nỗ lực cầm cự của mình mà nhiều doanh nghiệp đã dần vực dậy.
Nhưng, khi mọi việc đang dần ổn định, thì COVID – 19 quay trở lại vào cuối tháng 7 vừa qua đã thật sự khiến cho nhiều doanh nghiệp du lịch “sụp đổ.”
Ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết: Vừa rục rịch hoạt động được 2 tháng thì đến nay 40 đầu xe của Công ty lại tiếp tục nằm phơi trên bãi. Công ty không có khách hàng mới tìm hiểu và mua tour. Công việc của chúng tôi là xử lý những khách đã mua tour liên hệ hủy và hoàn tiền cho khách hàng.
“Chỉ tính riêng tiền vé máy bay, chúng tôi đã mất hơn 400 triệu đồng; tiền cọc khách sạn trên 100 triệu đồng. Đơn vị đang tính đến hết tháng 8 này nếu chưa có gì thay đổi sẽ xin tạm dừng hoạt động để giảm tải các gánh nặng thuế, phí”, ông Nghĩa nói thêm.
Khó khăn không kém là đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Trao đổi với DĐDN, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh cho biết: “Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, ngày thường, mỗi ngày vịnh Hạ Long đón trên 1 vạn khách; ngày cuối tuần thường từ 2-3 vạn, cao hơn cả thời điểm chưa có dịch COVID-19. Trong vòng 2 tuần nay, mỗi ngày vịnh Hạ Long, với trên 500 tàu du lịch, chỉ đón khoảng 200 khách.”
Trước những khó khăn trên, các chủ tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long đã có công văn gửi Chi cục Thuế Hạ Long xin được tạm dừng hoạt động.
Có thể nói, dịch COVID-19 đã làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm tham quan phải đóng cửa. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,6%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 72,1%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 67,2%; Quảng Nam giảm 66,5%; Kiên Giang giảm 64,7%; Đà Nẵng giảm 63,6%; Cần Thơ giảm 55,4%; Quảng Ninh giảm 54,9%; Hà Nội giảm 42,2%; Bình Định giảm 41,9%; Thanh Hóa giảm 40%; Hải Phòng giảm 38%./.
Theo một số chuyên gia kinh tế, sau đại dịch này rất có thể nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ phải dừng hoạt động do không còn tiềm lực.
Lê Cường