Chuyển tới nội dung

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối mặt với thách thức trong những tháng cuối năm

Dù đạt nhiều kết quả khả quan trong những tháng đầu năm nhưng đến tháng 9/2022, nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ sụt giảm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7 sản nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan dù gặp nhiều yếu tố bất lợi. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo ra nhiều mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường. Từ đó, ngành nông nghiệp đã tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh, chủ động mở rộng thị trường, tạo ra giá trị tăng thêm cao.

“Sản xuất nông nghiệp đang giảm dần thế bị động, bám sát nhu cầu, thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định. Cùng với đó, việc mở rộng, hướng tới các thị trường có giá trị cao đã và đang định hình vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt hơn 2 tỷ USD” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lý giải.

a_t10

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối mặt với thách thức trong những tháng cuối năm.

Liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu, báo Công thương cho hay, số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022 lại đột ngột giảm nhanh.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2022 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9) đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022. Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,17 tỷ USD (tương ứng giảm 38,2%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,07 tỷ USD (tương ứng giảm 31,5%); hàng dệt may giảm 980 triệu USD (tương ứng giảm 44,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 751 triệu USD (tương ứng giảm 29,7%)…

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có những chỉ đạo để đối phó với tình hình khó khăn ở trên nhằm phấn đấu nhằm tiệm cận con số 800 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm nay, trong đó kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu chính phủ giao khoảng 8%, duy trì được tỷ lệ xuất siêu của quốc hội và chính phủ đặt ra là 7-8%.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để đạt được chỉ tiêu xuất cả năm cần phải có những giải pháp sau đây: Thứ nhất, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam; Thứ hai, chúng ta thống nhất một quan điểm không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá lớn từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang thị trường Nga và một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút; Thứ ba, cần đa dạng hoá mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩ`u, đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước.

Nếu làm được những vấn đề trên, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn hiện tại, hoàn thành được chỉ tiêu xuất khẩu đề ra trong cả năm 2022.

Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved