thep-Hoa-Sen-Phuong-Dong-jpeg-3830-1618641663

Giá thép tăng nóng đẩy chi phí xây dựng tăng lên 10%

Doanh nghiệp lao đao

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết khá nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải ngừng thi công bởi giá vật liệu tăng quá cao. Với các doanh nghiệp xây dựng những năm 2018 – 2019, doanh thu có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ, nhưng đến nay tất cả các doanh nghiệp đều rơi vào cảnh khó khăn.

Một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá thép tăng lên tới 35 – 40%, những giá vật liệu như vậy làm giá thành tổng thể công trình tăng 10%, trong khi đó, thực tế lãi suất của các nhà thầu khi đặt kỳ vọng vào các công trình thường chỉ dừng ở mức 5% chứ không được như các ngành nghề khác.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho biết, các nhà thầu xây dựng không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng).

Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

“Doanh nghiệp xây dựng đứng trước cảnh “không làm thị bị phạt, mà làm thì lỗ”, và đối diện với thách thức “tồn tại hay không tồn tại” – ông Hiệp chia sẻ.

Ông Bùi Khắc Sơn – Chủ tịch HDQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết, việc giãn cách xã hội khiến tiếp cận vật liệu đã rất khó. Giá thép tăng lên và một số nguyên vật liệu đi cùng cũng tăng lên ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà thầu.

“Bối cảnh hiện tại, các công trình xây dựng đã ít hơn, tính cạnh tranh cao, nhiều nhà thầu đã phải tự phá giá để có công trình, do đó, không thể tiếp tục thực hiện các dự án đúng với tiến độ nếu giá vật liệu vẫn trên đà tăng nóng” – ông Sơn nhấn mạnh.

cong-trinh-xay-dung-dung

Các công trình xây dựng có thể sẽ chậm tiến độ bởi nhà thầu buộc dừng thi công, chờ bình ổn giá vật liệu.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319 – đơn vị đang thi công 3 dự án trọng điểm là Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn và Mỹ Thuận – Cần Thơ chia sẻ, do hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh tăng nên nhà thầu rất khó khăn.

Ông Khiêm cho rằng, công ty 319 là doanh nghiệp nhà nước, đã ký hợp đồng là phải làm nhưng với giá vật liệu tăng chóng mặt như hiện nay, biết chắc làm sẽ bị lỗ.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện chúng tôi không thi công sẽ chậm tiến độ còn thi công sẽ lỗ”, ông Khiêm nói.

Dừng dự án, chờ giá vật liệu giảm

Trước đó, đối diện với tình hình giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cũng đã có công văn xin kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng hoặc tạm dừng thi công chờ bình ổn giá.

Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), cuối năm 2020, giá thép có chiều hướng tăng mạnh, cho đến giữa quý 1/2021 có điều chỉnh giảm, tuy nhiên mức giảm không đáng kể và lại tiếp tục tăng mạnh vào cuối tháng 5/2021. Thị trường thép hiện chưa có chiều hướng tăng – giảm rõ rệt, song vẫn nhỉnh hơn từ 30 – 40% so với giá của năm 2020.

Mặt khác, một số nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng cũng tăng, như: cát, đá tăng giá từ 15 – 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi-măng, gạch ốp lát, bêtông tăng giá 5 – 10%…

Đứng trước bối cảnh này, đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, đà tăng giá chóng mặt của nguyên vật liệu khiến nhiều nhà thầu “bó tay”, đành phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại.

Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành chính sách hướng dẫn bù giá cho 13 loại vật liệu có giá tăng đột biến, trong đó có thép, và sẽ báo cáo Chính phủ sau khi tổng hợp số liệu từ các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng… để có đánh giá cụ thể và đề xuất giải pháp bảo đảm ổn định thị trường xây dựng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã kiến nghị với gói thầu sử dụng vốn nhà nước, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính có thông tư hướng dẫn cho phép điều chỉnh sắt thép. Bên cạnh đó, giao cho các Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh công bố giá để điều chỉnh theo từng tháng (trong thời gian sắt, thép tăng đột biến).

Đối với gói thầu sử dụng nguồn vốn khác, khuyến cáo chủ đầu tư và nhà thầu căn cứ vào hợp đồng, khối lượng thi công theo từng thời điểm giá và chênh lệch giá, tính toán để hai bên thương lượng thỏa thuận trong phụ lục giải quyết theo hợp đồng.

Mai An