Trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt đang từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp nhất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng
Về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022. Nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 274 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29%, năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21%, thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11%.
Về thứ hạng, bất chấp những hậu quả về đại dịch Covid-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia nhưng theo đánh giá của Brand Finance Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42, năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33, năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới của Anh, có văn phòng tại nhiều quốc gia) đánh giá trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, mức tăng trưởng về giá trị cũng rất cao là 36%, so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%. Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu có rất nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…
Theo thông tin từ Brand Finance đã công bố danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Vinamilk tiếp tục là thương hiệu ngành thực phẩm có giá trị nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng này. Đồng thời, Vinamilk cũng vinh dự nhận danh hiệu “Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới”.
Tính từ lần đầu tiên công bố vào năm 2015 đến nay, Vinamilk đã góp mặt trong 15 bảng xếp hạng về thương hiệu của Brand Finance. Năm 2022, Vinamilk được định giá 2,814 tỷ USD, tăng ấn tượng 18% so với năm 2021.
Trước đó, trong báo cáo ngành thực phẩm đồ uống toàn cầu 2022 do Brand Finance công bố, thương hiệu Vinamilk đã cho thấy vị thế khi là đại diện duy nhất từ Đông Nam Á trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu (vị thứ 6) và Top 5 thương hiệu sữa mạnh nhất toàn cầu (vị thứ 2). Đáng chú ý, tuy đã đạt được giá trị thương hiệu lớn, nhưng tiềm năng phát triển của Vinamilk vẫn được đánh giá rất cao khi trở thành thương hiệu sữa tiềm năng nhất toàn cầu năm 2022.
Nhấn mạnh về vấn đề này, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk chia sẻ: “Trải qua hơn 46 năm hình thành và phát triển, giá trị thương hiệu luôn được Vinamilk xây dựng từ trụ cột lớn nhất đó là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín với người tiêu dùng tại Việt Nam và ở bất cứ quốc gia nào Vinamilk hiện diện. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt, Việt Nam chúng ta sẽ có nhiều thứ hạng cao hơn nữa trên các bảng xếp hạng toàn cầu, khẳng định vị thế và giá trị của các thương hiệu quốc gia Việt Nam”.
Khát vọng xây dựng thương hiệu
Từ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cũng như hiệu quả hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia của Chính phủ, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ghi nhận sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt, luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam được 90 nước công nhận kinh tế thị trường, đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai trung hạn nhờ khung đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa, chi phí đăng ký kinh doanh đã được cắt giảm và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, cũng như hoạt động khởi sự kinh doanh.
Việc xây dựng thương hiệu Việt là một trong những yếu tốt cốt lõi hướng tới phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu ngày nay không chỉ để khẳng định uy tín đối với các đối tác, tính ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn khẳng định doanh nghiệp ăn nên làm ra, có trách nhiệm, thích ứng nhanh trước các yêu cầu đổi mới, phát triển của cộng đồng, xã hội.
Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP chia sẻ: “Mỗi doanh nghiệp đều có một cách xây dựng thương hiệu khác nhau. Trải qua 76 năm hình thành và phát triển từ một xưởng quân trang tại chiến khu Việt Bắc chuyên may quân trang phục để phục vụ cho bộ đội kháng chiến, cho đến ngày hôm nay, May 10 luôn bền bỉ theo đuổi một mục tiêu chung là Xây dựng thương hiệu bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp”.
Quá trình hình thành và phát triển của May 10 có thể coi như một câu chuyện thương hiệu điển hình cho việc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam, từ những năm 1946 đến giai đoạn chuyển đổi mô hình công ty cổ phần và giai đoạn phát triển thăng hoa từ năm 2010 đến nay.
Hiện May 10 là thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam với trên 50 cửa hàng trung tâm thời trang và gần 200 đại lý tại hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, May 10 – Dấu ấn của một Thương hiệu Quốc gia đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu rộng lớn sang nhiều nước trên thế giới tại khu vực thị trường khác nhau như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga… suốt hàng chục năm qua.
Huyền Chi