Đó là nhận định thẳng thắn của ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng hỗ trợ chiến lược Tổ hợp Samsung Việt Nam tại hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững”, với sự hỗ trợ bởi Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME).

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng như Canon Việt Nam, Samsung Việt Nam, Tập đoàn Lộc Trời đã có các cuộc trao đổi với đại diện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam để cùng tìm hiểu những kỳ vọng và yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi; đồng thời thảo luận các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó ngay với những thay đổi đột ngột trong chuỗi cung ứng, chủ động nắm bắt các cơ hội thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất.

Theo bà Dương Liên – Phó Giám đốc Dự án LinkSME tài trợ, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vướng mắc trong kết nối, trong đó vấn đề quan trọng là năng lực chưa sẵn sàng. Việt Nam vẫn thường nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất. Đơn cử như ngành may mặc nhập khẩu 70-80% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, công nghiệp điện tử nhập khẩu sản phẩm đầu vào lên tới 77% tổng giá trị sản phẩm, dược phẩm nhập 85-90%. Ngành nhựa nhập khẩu các sản phẩm đầu vào chiếm đến 70-80% chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đã có những phân tích về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cho biết, công ty luôn mở cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế là sau khi đưa ra các điều kiện, các doanh nghiệp FDI đều rất tích cực, trong khi doanh nghiệp trong nước lại rụt rè. Bởi vậy, doanh nghiệp nên tự tin khi tiếp xúc ban đầu với đối tác, nhằm tạo sự tin tưởng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng hỗ trợ chiến lược Tổ hợp Samsung Việt Nam.

Theo đại diện Samsung Việt Nam, công ty đang có khoảng 59 nhóm hàng linh kiện nội địa. Các nhà cung cấp ở Việt Nam mới dừng lại ở một số linh kiện nhựa, in ấn… trong khi Samsung cần hơn 400 linh kiện. Bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đều mong muốn các nhà cung cấp liên tục cải tiến để trở thành bạn đồng hành với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nên tìm tòi để cung cấp những linh kiện mới, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo đội ngũ kỹ sư để bảo đảm tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Duy Thuận – TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Ông Nguyễn Duy Thuận – TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện nay, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có khoảng 450.000 nhà cung ứng với những đặc thù riêng, tất cả là quốc dân và của hợp tác xã nhỏ và rất nhỏ, hơn 2000 cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ các nhà cung ứng này. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khó khăn, ông Thuận hy vọng sẽ có nhiều những cơ hội để giúp cho các nhà cung ứng của công nhân Việt Nam có thể tham gia tới thị trường quốc tế.

Trong khi đó, Quản lý cấp cao Cannon Việt Nam bà Đào Thị Thu Huyền chia sẻ, Canon có tổng 340 nhà cung cấp toàn cầu trực tiếp liên quan đến linh kiện và các nguyên vật liệu sản xuất máy in, 147 nhà cung cấp tại Việt Nam và chỉ có 20 nhà cung cấp thuần Việt. Đáng tiếc, con số này vẫn chưa tăng trưởng trong vài năm trở lại đây. Do đó, tỉ lệ nội địa hoá của Cannon đạt 65% – tỉ lệ khá cao tại Việt Nam nhưng lại rơi nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như sản xuất nội địa chế xuất trong Cannon với các phân xưởng sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện bảng mạch điện tử, linh kiện thép,…cũng như các linh kiện then chốt khác.

Quản lý cấp cao Cannon Việt Nam – bà Đào Thị Thu Huyền.

Bà Huyền bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được con đường phát triển trở thành những nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Cannon.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thu Thủy nhận định, trong giai đoạn 10 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp ra đời không ngừng tăng, đạt hơn 1,4 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu ngành nghề và quy mô, có tới 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, quy mô của doanh nghiệp vẫn còn nhỏ, với 66% doanh nghiệp siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chỉ đạt gần 5%… cho thấy doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù Việt Nam thu hút số lượng lớn doanh nghiệp FDI, nhưng cơ cấu nhập khẩu khá lớn, trong 1 USD xuất khẩu thì có tới 0,4 USD nhập từ nước ngoài. Tình trạng này xảy ra là do năng lực chất lượng của doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu thông tin, khả năng cung ứng, năng lực tài chính và khả năng tiếp cận tài chính… còn thấp.

Để các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi liên kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Về chính sách cụ thể thời gian tới, bà Bùi Thu Thủy nhấn mạnh, các bộ, ngành sẽ tập trung giúp đỡ doanh nghiệp về cơ sở kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị cao cấp, sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ đào tạo chuẩn hóa doanh nghiệp…

Bảo Loan – Minh Châu